Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.
Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)

Trẻ em có quyền được lắng nghe, được tham gia

Việc trao quyền cho trẻ em và để trẻ em lên tiếng trong các vấn đề chính sách của chính phủ xuất phát từ các nguyên tắc về quyền trẻ em quốc tế. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) là văn bản quốc tế quan trọng nêu rõ các quyền này, bao gồm quyền được lắng nghe và quyền tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mình (Điều 12).

Cụ thể, “các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em có đủ khả năng hình thành các quan điểm riêng của mình được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả các vấn đề có ảnh hưởng đến các em và những quan điểm của các em phải được coi trọng một cách phù hợp với tuổi và độ trưởng thành của các em.

Vì mục đích đó, trẻ em phải được đặc biệt tạo cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến trẻ em, hoặc trực tiếp hay thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy định mang tính thủ tục của luật pháp quốc gia”.

Dù nhiều quốc gia chưa phê chuẩn UNCRC nhưng các tổ chức như UNICEF và Liên minh Nghị viện Quốc tế (IPU) đã thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của trẻ em vào các hoạt động lập pháp trên toàn thế giới.

Ví dụ, IPU đã làm việc với các chính phủ để giới thiệu khái niệm “quốc hội trẻ em”, nơi các em học sinh mô phỏng các chức năng của chính phủ và bày tỏ quan điểm về các chính sách, đặc biệt là về giáo dục, phúc lợi trẻ em và y tế. Sổ tay của IPU về sự tham gia của trẻ em nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia này trong việc định hình các chính sách hướng tới lợi ích của trẻ em.

Hoa Kỳ cũng chưa chính thức phê chuẩn UNCRC, nhưng quốc gia này vẫn áp dụng một số nguyên tắc quan trọng của công ước này trong luật pháp, đặc biệt các quy định liên quan đến giáo dục, bảo vệ trẻ em và quyền được lắng nghe của trẻ em.

Xét về sự tham gia của trẻ em vào quá trình quản lý nhà nước trong bối cảnh rộng lớn hơn về quyền trẻ em tại Hoa Kỳ, cần nhấn mạnh rằng, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ luôn thận trọng trong việc cân bằng giữa quyền tự chủ của trẻ em và quyền của cha mẹ.

Trong đó, có thể kể tới các tiền lệ pháp lý từ các vụ kiện nổi tiếng như “In re Gault” (1967) và “Tinker v. Des Moines” (1969) đã giúp trẻ em có tiếng nói trong các quy trình pháp lý và thể hiện quan điểm của mình trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của các em.

Cụ thể, vụ kiện “In re Gault” là một án lệ quan trọng của Tòa án tối cao Hoa Kỳ liên quan đến quyền lợi của trẻ vị thành niên trong hệ thống tư pháp. Vụ việc bắt đầu khi Gerald Gault, 15 tuổi, bị bắt giam tại Arizona mà không thông báo cho cha mẹ sau khi bị cáo buộc gọi điện thoại quấy rối hàng xóm. Gerald bị đưa đến trường công nghiệp nhà nước trong 6 năm, một hình phạt nặng hơn nhiều so với mức mà người lớn phải chịu cho cùng tội danh.

Cha mẹ Gerald đã kháng cáo, cho rằng quyền lợi về quy trình pháp lý hợp lý (due process) của con trai họ đã bị vi phạm, như không được đảm bảo quyền tư vấn pháp lý, không được thông báo đầy đủ về các cáo buộc và không có quyền đối chất với nhân chứng. Tòa án tối cao đã ra phán quyết 7-2, xác định rằng trẻ vị thành niên phải được hưởng các quyền lợi theo Tu chính án thứ 14, bao gồm quyền có luật sư, quyền đối mặt với nhân chứng và quyền không tự buộc tội.

Vụ án này đã làm thay đổi cách thức xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên tại Hoa Kỳ, đảm bảo rằng trẻ em cũng có các quyền bảo vệ pháp lý tương tự như người lớn.

Mặt khác, vụ án “Tinker v. Des Moines Independent Community School District” liên quan đến quyền tự do ngôn luận của học sinh trong trường học. Năm 1965, ba học sinh John Tinker, Mary Beth Tinker và Christopher Eckhardt đã đeo băng tay đen đến trường tại Des Moines (bang Iowa) để phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhà trường đã đình chỉ họ với lý do các băng tay có thể gây xáo trộn an ninh trật tự trong trường.

Các học sinh và gia đình đã khởi kiện, cho rằng quyền tự do ngôn luận của họ theo Tu chính án thứ Nhất đã bị vi phạm. Tòa án tối cao đã phán quyết 7-2 ủng hộ các học sinh, cho rằng học sinh không bị “tước bỏ quyền tự do ngôn luận của mình khi bước vào cổng trường”. Tòa án khẳng định rằng nhà trường chỉ có thể cấm ngôn luận nếu nó gây ra sự xáo trộn đáng kể cho hoạt động của trường. Vụ án này trở thành nền tảng cho quyền tự do ngôn luận của học sinh tại các trường học Hoa Kỳ.

Có thể nói, những phán quyết này đã khẳng định quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng của trẻ em, từ đó xây dựng nền tảng cho tương lai, trong đó trẻ em có thể ngày càng tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến họ.

Từ các Hội đồng trẻ em đến “hành lang quyền lực”

Trên thế giới, các sáng kiến quốc hội trẻ em đã và đang góp phần làm thay đổi cách tiếp cận của các chính phủ đối với vấn đề quyền trẻ em, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của giới trẻ trong các quyết định quan trọng của đất nước.

Đơn cử, tại Thụy Điển, sáng kiến quốc hội trẻ em và thanh, thiếu niên, dù chưa chính thức, cũng đóng vai trò là cầu nối giữa giới trẻ và các nhà lập pháp. Các đại biểu trẻ thảo luận về các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, giáo dục và công bằng xã hội. Những ý kiến này được gửi lên cho quốc hội chính thức nhằm định hình các chính sách hướng đến lợi ích của trẻ em.

Tại Hoa Kỳ, sự tham gia chính thức của trẻ em vào quá trình lập pháp quốc gia còn hạn chế, nhưng nhiều sáng kiến cấp địa phương và tiểu bang đã tạo ra nền tảng cho trẻ em tham gia vào quản trị.

Ví dụ, Hội đồng Thanh niên Thị trưởng Boston và Hội đồng Lãnh đạo Thanh niên của thành phố New York đã cho phép thanh niên tương tác trực tiếp với các quan chức chính phủ, đưa ra lời khuyên về các vấn đề như giáo dục và an toàn công cộng.

Đặc biệt, California đã tiên phong thành lập Ủy ban Thanh niên theo Đạo luật Tăng cường Quyền lực Thanh niên, tạo cơ hội để giới trẻ từ 14 đến 25 tuổi tham gia vào các chính sách liên quan, từ biến đổi khí hậu đến sức khỏe tâm thần.

Phán quyết trong vụ “Tinker v. Des Moines” (1969) đã khẳng định quyền tự do ngôn luận của trẻ em tại các trường học Hoa Kỳ. (Ảnh: constitutioncenter.org)

Ở cấp liên bang, các chương trình như “Junior State of America” (JSA) và chương trình “Youth and Government”của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA) giúp học sinh tham gia vào các phiên họp lập pháp mô phỏng, học hỏi về quy trình chính trị và nâng cao tiếng nói về các vấn đề như kiểm soát súng và cải cách giáo dục.

Để trẻ em tham gia vào quá trình lập pháp, các tổ chức vận động như Children's Defense Fund (CDF) và Save the Children tạo điều kiện cho các em vận động hành lang Quốc hội, làm chứng trước các cơ quan lập pháp và đóng góp vào các chiến dịch tập trung vào phúc lợi trẻ em.

Một ví dụ nổi bật về sự tham gia của trẻ em vào việc hoạch định chính sách trên thế giới là phong trào biến đổi khí hậu do thanh niên dẫn đầu. Lấy cảm hứng từ các nhà hoạt động toàn cầu trẻ tuổi như Greta Thunberg (Thụy Điển), trẻ em, thanh, thiếu niên tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi các chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn.

Nhiều nhóm thanh niên hoạt động về khí hậu, bao gồm Sunrise Movement, đã tương tác với các nhà lập pháp Hoa Kỳ để thúc đẩy Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) và các chính sách tập trung vào khí hậu khác. Sự tham gia của thanh niên vào vận động khí hậu cũng mở rộng đến hành động pháp lý.

Trong vụ “Juliana v. United States”, 21 nguyên đơn trẻ tuổi đã kiện chính phủ liên bang vì không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, lập luận rằng sự thụ động của chính phủ đã vi phạm quyền hiến pháp của họ đối với một môi trường an toàn. Mặc dù vụ kiện vẫn đang tiếp diễn, nhưng nó đã đặt ra một tiền lệ về cách trẻ em có thể sử dụng hệ thống pháp luật để ảnh hưởng đến các quyết định chính sách.

Dù ngày càng có nhiều sự quan tâm về việc trao quyền trẻ em tham gia vào các quyết định lập pháp, rào cản pháp lý vẫn tồn tại. Pháp luật Hoa Kỳ vẫn thường nhấn mạnh rằng trẻ em chưa đủ trưởng thành để tham gia hoàn toàn vào các quá trình ra quyết định ở cấp độ chính phủ. Do đó, các quy trình chính trị vẫn yêu cầu sự tham gia của những người trưởng thành, bao gồm việc bỏ phiếu và tham gia các cuộc họp chính thức của Quốc hội.

Nói cách khác, khung pháp lý của Hoa Kỳ liên quan đến sự tham gia của trẻ em trong các quyết định chính trị tập trung nhiều hơn vào giáo dục và vận động, thay vì đại diện lập pháp. Dù Hoa Kỳ chưa có một quốc hội trẻ em quốc gia chính thức nhưng ý tưởng này đang dần được chấp nhận trong số các nhóm vận động và nhà giáo dục. Bên cạnh đề xuất việc thành lập quốc hội trẻ em, ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng hạ độ tuổi bầu cử ở một số địa phương, cho phép thanh niên 16 tuổi được bầu cử trong các cuộc bầu cử địa phương ở như Takoma Park, Maryland.