Tại các chợ, trung tâm bán sỉ hàng hóa ở TP.HCM đang bị các loại hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu kém chất lượng thôn tính. Hàng dởm của nước ngoài ép hàng trong nước từ mẫu mã, chủng loại đến giá cả, khuynh đảo thị trường…
Tại một số chợ đầu mối như Bình Tây, An Đông, Kim Biên, Tân Định, Thủ Đức, mực xé, yến sào, đông trùng hạ thảo, bột ngọt, đường, ớt, tiêu đều có mặt hàng ngoại, nhiều nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, còn có giày dép, túi xách, kẹp tóc, mỹ phẩm mẫu mã đẹp, giá rẻ bày bán ngập chợ.
|
Ảnh: Trần Thế |
1/3 là hàng nhập khẩu
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Cty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Ðức - cho biết, trước đây mỗi đêm bình quân chợ Thủ Đức nhập về trên dưới 3.000 tấn rau, củ, quả, trong đó 20- 30% là hàng nhập khẩu. Từ đầu tháng 10 đến nay, do thông tin các loại rau củ qủa nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc chứa chất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khiến lượng hàng nhập khẩu đã giảm 50% so với cuối tháng 9-2012.
Trước đây mỗi đêm có khoảng 950 tấn hàng rau củ, trái cây về chợ Bình Điền, trong đó hàng nhập khẩu chiếm 150-200 tấn. Theo ban quản lý chợ này, lượng rau củ quả nhập khẩu về chợ hiện đã giảm mạnh, nguyên nhân do sức mua của người tiêu dùng giảm dần vì lo sợ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Thế nhưng, tại các siêu thị, cửa hiệu, chợ truyền thống ở TP.HCM, các mặt hàng gia dụng như bình giữ nhiệt, ấm đun nước, nồi cơm điện, đồ chơi trẻ em, quần áo may sẵn nhập khẩu giá rẻ vẫn tiếp tục kinh doanh. Trong các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ, không ít loại hàng kém chất lượng và chứa độc tố, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng như đồ chơi trẻ em, son môi, quần áo.
Tại Đà Nẵng, lực lượng QLTT tỉnh này đã phát hiện gần 100 chiếc áo ngực có xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất lạ có nguy cơ làm tổn hại đến người sử dụng. Sau khi thông tin này phát lộ, nhiều tiểu thương ở chợ An Đông, Trung tâm thương mại Bình Tây (chợ Soái Kình Lâm) TP.HCM đã dẹp không bán loại áo ngực có nhãn hiệu bị phát hiện chứa độc tố giống như ở Đà Nẵng phát hiện.
Cạnh tranh mệt mỏi…
“Hàng tiêu dùng nhập khẩu chính ngạch từ các nước đã làm cho hàng trong nước cạnh tranh mệt mỏi, các loại hàng nhập lậu bán phá giá mới đáng lo ngại cho nền sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Nhiều món hàng lậu, mẫu mã bắt mắt chỉ bán với giá 1/3 hàng nội địa thì doanh nghiệp trong nước chết chắc”- ông Tạ Lý Nam, chủ cơ sở may gia công An Thu (quận Tân Phú) bức xúc. Là nhà sản xuất nội địa với quy mô nhỏ, ông Nam còn cho biết nếu không dẹp được các loại hàng nhập khẩu chất lượng dởm thì nhiều cơ sở may như An Thu sẽ bị dẹp tiệm.
Để cứu ngành sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, ông Trần Ban Linh - Phó Giám đốc Cty TNHH Long Nhân (chuyên sản xuất đồ chơi bằng nguyên liệu gỗ ở quận Bình Tân) kiến nghị Nhà nước nên khuyến khích nhập khẩu hàng hoá chất lượng cao vì ta chưa làm được nhưng phải tăng cường kiểm soát hàng nhập khẩu chất lượng kém một cách quyết liệt, xử lý đến nơi đến chốn đối tượng vi phạm, cứu những DN nhỏ và vừa nội địa.
Trong khâu quản lý chất lượng hàng nông sản nhập khẩu, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết, Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức mới chỉ lấy mẫu kiểm định dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trên hàng nội. Riêng với hàng nhập khẩu (chủ yếu là hàng Trung Quốc) thì vẫn chưa thực hiện lấy mẫu kiểm định mà chỉ kiểm tra về mặt giấy tờ, hóa đơn nhập khẩu. Trong khi đó, Ban quản lý chợ Bình Điền nói rằng chợ chỉ là đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng thực phẩm, còn đơn vị chịu trách nhiệm chính nằm ở địa chỉ khác, cụ thể là Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM.
Tại TP.HCM, thông thường mỗi đêm cơ quan chức năng sẽ lấy từ 10-35 mẫu thực phẩm để kiểm tra, trong đó có 7- 8 mẫu rau củ, trái cây ngoại nhập để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Theo kết quả kiểm định, có khoảng 1% trên tổng số 30 mẫu bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Khi phát hiện sản phẩm có sai phạm về chất lượng, các thương nhân là chủ hàng sẽ bị nhắc nhở, xử phạt cảnh cáo và bị tịch thu hàng đối với trường hợp vi phạm nặng.
Trong quý III/2012, Chi Cục QLTT TP.HCM đã thu giữ 33.5000 sản phẩm bia rượu, sữa nước, các loại thực phẩm, mỹ phẩm, 2.177 cái đồ chơi trẻ em súng kiếm bằng nhựa và 5 kg đạn nhựa và một số lượng hàng dởm không hề nhỏ.
Để hạn chế hàng nhập khẩu kém chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng chứa chất độc hại, đại diện Chi Cục QLTT TP.HCM cho biết, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng vẫn không thể kiểm soát hết, đặc biệt hàng hàng nhập lậu.
Còn Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Ngọc Đào cho rằng, để hạn chế hàng ngoại nhập chất lượng kém, chứa độc hại, không an toàn cho người sử dụng cần vận hành tối đa hệ thống truyền thông về những cảnh báo bất lợi từ sản phẩm cho người tiêu dùng mà gần đây báo đài đã làm rất hiệu quả. Mặt khác, người tiêu dùng cần thận trong với các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc và yêu nước hơn khi chọn hàng Việt cho nhu cầu mua sắm của mình.
Mị Na