Quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vi phạm trên mạng xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ, kéo theo những hệ lụy đáng tiếc, đòi hỏi cần có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt xử lý nghiêm để ngăn chặn vi phạm.
Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm trên mạng xã hội nhằm tăng tính răn đe. (Ảnh minh họa)
Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm trên mạng xã hội nhằm tăng tính răn đe. (Ảnh minh họa)

Nhiều bất cập

Sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội trong những thập kỷ vừa qua đã để lại nhiều hệ lụy khôn lường, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng phát tán thông tin sai lệch, gây thiệt hại về danh dự, cũng như kinh tế của các cá nhân, tổ chức. Đáng nói, tính năng lan truyền nhanh là một ưu điểm của mạng xã hội, đồng thời cũng là một nhược điểm. Người dùng mạng xã hội phần lớn không kiểm chứng thông tin nhưng có thể chia sẻ chỉ với vài cú nhấp chuột. Từ đó, thông tin không chính xác, sai sự thật được lan toả với tốc độ “chóng mặt”, gây hoang mang dư luận, thậm chí có thể tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại từng khu vực, địa phương cụ thể.

Theo số liệu của Báo cáo Digital 2022, tính đến tháng 2/2022, số tài khoản mạng xã hội được kích hoạt tại Việt Nam là 76,95 triệu, tương ứng với mức độ thâm nhập là 78,1%. Con số này tăng gần 5 triệu so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh đến gần 12 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm 2020. Theo một thống kê khác, trung bình một người dùng mạng xã hội hiện nay có khoảng 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, phổ biến nhất là Facebook, TikTok, Instagram, Zalo,… nhằm tăng khả năng chia sẻ thông tin.

Bên cạnh đó, thời gian qua, cũng có không ít tình trạng các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động, chống Đảng, Nhà nước, gây rối loạn về thông tin... Không chỉ lập các tài khoản giả mạo để tung tin đồn thất thiệt, các thủ đoạn khác bao gồm: tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh người đứng đầu chính quyền các cấp, người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội (ví dụ: đại dịch COVID-19) để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

Mạng xã hội là môi trường lan tỏa tin giả, sai sự thật rất nhanh. (Ảnh minh họa)

Mạng xã hội là môi trường lan tỏa tin giả, sai sự thật rất nhanh. (Ảnh minh họa)

Đã có chế tài, nhưng…

Pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể về các hành vi vi phạm trên không mạng và chế tài xử phạt. Đơn cử, Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nằm trong các hành vi bị cấm.

Mặc khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ngày 3/2/2020. Theo đó, quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Các hành vi vi phạm trên mạng xã hội được liệt kê như sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Ngoài ra còn có các hành vi khác như: Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Đặc biệt, đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Trong trường hợp vu khống, người vi phạm xúc phạm người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, với tội “Làm nhục người khác”, khung hình phạt cao nhất là 30 triệu đồng đối với phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm và 5 năm đối với phạt tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Còn với tội “Vu khống người khác”, khung hình phạt cao nhất là 7 năm đối với hình phạt tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định các chế tài đối với hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Dù vậy, trên thực tế vi phạm vẫn còn rất nhiều, thậm chí có xu hướng gia tăng. Trong khi đó số lượng trường hợp vi phạm bị xử lý vẫn chưa nhiều, gây ra những hệ lụy tiêu cực đến xã hội.

Nhiều đối tượng lợi dụng đại dịch COVID-19 để lan truyền tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. (Ảnh minh họa)

Nhiều đối tượng lợi dụng đại dịch COVID-19 để lan truyền tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. (Ảnh minh họa)

… vẫn cần tìm kiếm các giải pháp căn cơ

Có nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi đối tượng vi phạm dễ dàng xóa dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, điều quan trọng là ở khâu thực thi, các cơ quan chức năng phải tăng cường, đẩy mạnh xử lý vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh xã hội. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hay tập huấn nâng cao năng lực xử lý thông tin trên mạng xã hội cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là điều rất cần thiết.

Song song với các giải pháp nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang triển khai phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh, đàm phán với các cơ quan chủ quản của các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Google, TikTok... để họ tích cực hơn trong việc hợp tác gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên các nền tảng này. Đồng thời, liên tục vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin để chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu, độc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc đào tạo kỹ năng số vào nhà trường cho học sinh.

Có thể thấy, việc ngăn chặn thông tin xấu, độc hại gặp rất nhiều gặp khó khăn bởi lực lượng giám sát mỏng mà các hành vi vi phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng, mức độ nguy hiểm và độ tinh vi, phức tạp. Đáng nói, đây không chỉ là nhiệm vụ riêng một một hay một số cơ quan chuyên trách mà cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội mới giải quyết được căn cơ vấn đề.

Trong đó, giải pháp tiên quyết là phía các bộ, ngành, chính quyền địa phương… cần tăng cường quản lý và xử lý vi phạm trên không gian mạng nhằm tăng tính răn đe xã hội. Đồng thời, hướng dẫn, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; kịp thời tiếp nhận thông tin và phát hiện sai phạm; nâng cao hiệu quả kiểm duyệt nội dung do các cá nhân, tổ chức đăng tải lên mạng xã hội.

Đọc thêm