Quyết liệt “xóa” mầm mống gây bất ổn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tình hình KNTC còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Nếu không giải quyết quyết liệt, giải quyết tốt thì đây sẽ là mầm mống gây mất ổn định đất nước. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm, tích cực thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng.

[links()] Hôm qua (2/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng hơn 60 tỉnh thành trên cả nước là lãnh đạo UBND và các Sở, ngành tham dự.

Còn 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài

Trình bày Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu ra nhiều con số ấn tượng: Trong thời gian từ năm 2008 – 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.571.500 lượt người đến KNTC và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt trên 88%, giải quyết tố cáo đạt trên 84%. Qua công tác giải quyết KNTC, đã thu hồi về cho nhà nước gần 1.026 tỷ đồng, 1.241 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỷ đồng, 936 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ, 382 người…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác giải quyết KNTC còn những hạn chế, yếu kém như nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế; nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai phạm nhưng chưa có biện pháp khắc phục…

Đánh giá về tính chất, mức độ cho thấy, tình hình khiếu nại tố cáo diến biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi. Có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh. Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai.

Thậm chí, xuất hiện hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người. Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn động, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%) nhưng vẫn còn 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết…

Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán…); có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; Công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lòng lẻo; nhiều cán bộ lợi dụng tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, giải thích, hài hòa ngay từ cơ sở…

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết thêm, từ năm 2008 đến nay, số vụ việc tranh chấp, KNTC trong lĩnh vực đất đai vẫn còn ở mức cao. Theo số liệu tổng hợp, số vụ việc tranh chấp, KNTC về đất đai chiếm khoảng 60 – 70% tổng số các vụ việc KNTC trong cả nước.

Tình hình công dân khiếu nại có xu hướng giảm dần qua các năm, song tranh chấp, KNTC về đất đai vẫn còn có những diễn biến phức tạp, vụ việc khiếu nại vượt cấp, đông người ở địa phương có chiều hướng tăng lên, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án thu hồi đất, tập trung chủ yếu là khiếu nại về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Hoàn thiện quy chế xử lý KNTC và pháp luật về đất đai

Để giải quyết tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Thanh tra Chính phủ kiến nghị một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh  KNTC trên lĩnh vực này; củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC; tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong giải quyết KNTC.

Đại diện Bộ Công an đề nghị đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực (tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, đầu tư, xây dựng…). Ngoài ra, Quốc hội cần sớm ban hành Luật về tiếp công dân, Luật về biểu tình làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng KNTC gây rối.

Tại các đầu cầu trực tuyến, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KNTC; chủ động xử lý các nhiệm vụ về KNTC; kiểm soát tốt tình hình KNTC, không để xảy ra “điểm nóng”; tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, tình hình KNTC còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Nếu không giải quyết quyết liệt, giải quyết tốt thì đây sẽ là mầm mống gây mất ổn định đất nước. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm, tích cực thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng.

Đối với những vụ việc khiếu kiện kéo dài, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng tập trung sâu sát, xử lý dứt điểm từng vụ việc. Các địa phương cần lập hồ sơ chi tiết đối với từng vụ việc để tiện tra cứu, đồng thời phối hợp cùng tổ công tác của các cơ quan liên quan nghiên cứu, thẩm định lại các phương án đã xử lý, công khai ý kiến nhằm khẳng định tính đúng đắn hay còn thiếu sót của các quyết định đã đưa ra; đồng thời, cũng có phương án trao đổi, thuyết phục để bà con thấy được lẽ phải, đồng tình.

Với trường hợp cố tình không chấp hành, bị các đối tượng xấu lôi kéo thì vì lợi ích chung của toàn xã hội, trên tinh thần vận động, thuyết phục là chính, nếu bắt buộc phải cưỡng chế thì cần tổ chức đúng pháp luật và tránh tối đa thiệt hại cho bà con nhân dân.

Thủ tướng cũng nhận định, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đất đai của nước ta hiện vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, trong quá trình thực hiện, cần phải hài hòa tối đa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất, người có đất và chủ đầu tư. Chính phủ sẽ khẩn trương tổng kết và kiến nghị sửa đổi để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đất đai cũng như quy chế xử lý KNTC của công dân là cam kết của người đứng đầu Chính phủ…

Hoàng Thư

Đọc thêm