Rất nhiều lĩnh vực từ thi hành án dân sự (THADS), lý lịch tư pháp đến nuôi con nuôi, công chứng... đều đề ra những định hướng cải cách có lợi cho người dân với mong muốn tạo được sự hài lòng của họ trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhiều định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính
Theo Nghị quyết 58, sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp; lĩnh vực nuôi con nuôi; lĩnh vực THADS; lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; lĩnh vực bồi thường nhà nước; lĩnh vực chứng thực; lĩnh vực quốc tịch; lĩnh vực hộ tịch; lĩnh vực trợ giúp pháp lý; lĩnh vực công chứng; lĩnh vực luật sư; lĩnh vực trọng tài thương mại; lĩnh vực tư vấn pháp luật; lĩnh vực đấu giá tài sản; lĩnh vực quản tài viên.
Cụ thể, trong lĩnh vực nuôi con nuôi, thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước, hồ sơ của người nhận con nuôi bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận nuôi con nuôi.
Đối với hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi bỏ biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi, bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
Trong thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi bỏ Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
Thủ tục Đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hồ sơ của người nhận con nuôi bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi; bỏ văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân của người nhận nuôi con nuôi.
Trong lĩnh vực quốc tịch, thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ: Giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin nhập quốc tịch, giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhập quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam (nếu có), giấy tờ chứng minh nơi cư trú cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đối với thủ tục Cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, người xin xác nhận là người gốc Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực hộ tịch, bãi bỏ thủ tục Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài bỏ quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn). Với các thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch, người dân vô cùng quan tâm và cho rằng việc đơn giản này được áp dụng ngay.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết Bộ Tư pháp có nhiều định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phân tích, Luật Hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2020 mới có cơ sở dữ liệu điện tử, tất cả dữ liệu của người dân khi đó đều có trong cơ sở dữ liệu này nên không yêu cầu một số thủ tục như trên. Có điều, người dân chưa nắm rõ thông tin nên Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết đã đề nghị các đơn vị chuyên môn có nghiên cứu để trao đổi lại nhằm cung cấp thông tin đúng đắn nhất đến người dân, giúp người dân hiểu rõ vấn đề.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Nghị quyết 58 là rất mới và Bộ Tư pháp có tham gia vào quá trình xây dựng Nghị quyết nhưng việc triển khai phải có lộ trình, bám sát lộ trình Luật Hộ tịch đã quy định. Thứ trưởng chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà Bộ đang gặp là nguồn ngân sách bởi muốn đồng bộ hệ thống, kết nối cơ sở dữ liệu điện tử dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì đòi hỏi đầu tư rất lớn. Nhưng, với nhiệm vụ Quốc hội đã giao trong Luật, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng vì nó tạo thuận lợi cho tuân thủ thủ tục hành chính, lợi ích đem lại cho người dân vô cùng lớn.
Với tư cách là đơn vị được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý về công tác hộ tịch, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh khẳng định: Nghị quyết có thực hiện được hay không phụ thuộc vào sự hoàn thiện của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói cách khác khi nào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cũng như các cơ sở chuyên ngành khác thì lúc đó mới thực hiện được việc miễn, giảm giấy tờ trong thủ tục hành chính.
“Không phải cứ thực hiện theo các Nghị quyết là tất cả các giấy tờ được cắt giảm theo hiệu lực của Nghị quyết mà phụ thuộc vào khi nào xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ví dụ từ ngày 1/1/2020 theo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân thì 2 cơ sở này phải hoàn thiện và kết nối với nhau, lúc đó áp dụng việc cắt giảm thủ tục hành chính theo Đề án 896 và thực hiện theo Nghị quyết 58” – ông Khanh phân tích.
Cũng theo ông Khanh, cơ sở dữ liệu hộ tịch đã triển khai ở hàng chục địa phương… Những địa phương nào sử dụng cơ sở dùng chung của Bộ thì đã kết nối rồi, hiện đã giảm được ngay như ở Hà Nội khi xin trích lục cho trẻ em khai sinh từ ngày 1/1/2016 trở lại đây thì người dân chỉ việc điền tờ khai và nói số định danh của trẻ là lập tức hệ thống thông báo ngay mà bố, mẹ không cần phải trình bất cứ giấy tờ gì nữa.
Tăng hiệu quả giải quyết việc của dân bằng công nghệ thông tin
Năm 2017 tiếp tục là năm ghi đậm dấu ấn của công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành Tư pháp. Nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, các mặt công tác đã đạt nhiều kết quả cụ thể, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, hộ tịch, lý lịch tư pháp.
Nhiều Sở Tư pháp, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý văn bản trực tuyến, giúp giảm thời gian, chi phí xử lý công việc. Tại Bộ Tư pháp, đã triển khai có kết quả tốt việc thực hiện chữ ký số tại một số đơn vị, nhất là ở Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin trong phê duyệt, phát hành một số văn bản nội bộ.
Về công tác hộ tịch, Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Tư pháp cho biết, Phần mềm đăng ký khai sinh - kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em từng bước được hoàn thiện và triển khai mở rộng phạm vi áp dụng. Tính đến nay đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 17 tỉnh, thành, phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại 15 tỉnh, thành và huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Ở các địa phương, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho chính quyền áp dụng nhiều sáng kiến, đổi mới hiệu quả trong công tác hộ tịch, được nhân dân đánh giá cao. Nổi bật là Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND ban hành và thực hiện Đề án triển khai thí điểm việc chính quyền thăm, viếng, chia buồn và thực hiện đăng ký khai tử tại gia đình công dân.
Trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, Bộ đã nâng cấp và chính thức vận hành Phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản. Đây là dịch vụ hành chính công đầu tiên cung cấp trực tuyến mức độ 4 của ngành Tư pháp, góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan đăng ký, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực lý lịch tư pháp, tại các địa phương, tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp tiếp tục được khắc phục. Riêng Hệ thống THADS đã triển khai hỗ trợ trực tuyến về THADS. Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị truyền hình trực tuyến đa phương tiện đến cấp huyện nhằm tăng cường sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời trong công tác chỉ đạo THADS.