Hôm qua (13/11), ngày thứ hai Quốc hội tiến hành chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn tiếp tục trả lời những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.
Nợ xấu và vàng: Thống đốc cũng chịu áp lực
Sau trả lời của Bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc NHNN Việt Nam bắt đầu phần trả lời chất vấn của mình với hàng loạt câu hỏi của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến vấn đề nợ xấu và quản lý vàng miếng.
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đi thẳng vào câu chuyện về “vàng hóa” nền kinh tế mà dư luận những ngày gần đây đang rất “nóng”. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vùng Tàu) cũng đặt câu hỏi quản lý vàng miếng vì sao chưa đạt mục tiêu đưa giá vàng trong nước chưa sát thế giới? Tại sao không quản lý chất lượng mà lại đi quản lý nhãn hiệu, có lợi ích nhóm ở đó không?
Khẳng định giá vàng chênh chỉ cần ở mức khoảng 400 ngàn thôi là đã có hiện tượng đầu cơ và buôn lậu vàng qua biên giới ở quy mô rất lớn, gây bất ổn nền kinh tế, Thống đốc Bình cũng nhấn mạnh, trước khi NĐ 24 được ban hành thị trường vàng hoàn toàn bị bỏ ngỏ, không ai quản lý thị trường vàng miếng. Tuy nhiên, bằng NĐ 24 đến nay đã bước đầu đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù chênh lệch giá vàng giữa trong nước và quốc tế lớn nhưng theo Thống đốc “nó không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô” .
Riêng vấn đề “vàng hóa” nền kinh tế, theo tính toán hiện có khoảng 250-300 tấn vàng và đây là “một nguồn lực rất lớn đã bị lãng phí, đã bị chôn vùi”. Cho nên, theo Thống đốc “mục tiêu đặt ra là làm sao huy động được, khơi thông được nguồn vốn này để phục vụ cho quốc kế dân sinh”. Theo số liệu thống kê đến ngày 25/10, tức sau 5 tháng thực hiện Nghị định 24, hệ thống các tổ chức tín dụng đã mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng, tương đương khoảng 30 tỷ đô la Mỹ đã được chuyển hóa thành tiền Việt Nam để phục vụ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, phần trả lời của Thống đốc khiến ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) không hài lòng: “Nói trước đây không quản lý thị trường vàng cho đến khi Thống đốc lên, tham mưu ban hành NĐ 24 là bất công cho Chính phủ quá.” Đáp lại, Thống đốc Bình khẳng định “đó là đánh giá của tập thể Chính phủ chứ không riêng Thống đốc”.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, trả lời nhiều câu hỏi của ĐBQH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian qua và sắp tới đây, NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đây cũng là thời điểm rà soát lại tất cả các khoản vay. “Chúng ta đã có chỉ thị, có cơ sở kiểm soát nợ xấu, vấn đề là quyết tâm xử lý thì nợ xấu sẽ chững lại, không gia tăng nữa”. Thống đốc nói nhưng cũng thẳng thắn, “có thể giải quyết được nhưng không đơn giản, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cấp, ngành” và “chúng tôi cũng chịu áp lực”.
Trước “truy” ráo riết của ĐBQH về những tiêu cực trong ngành, người đứng đầu NHNN cũng thừa nhận, có lợi ích nhóm, có tiêu cực. Ông cho rằng cần phải xử lý nghiêm kể cả bằng biện pháp hình sự.
Kết thúc phiên chất vấn với Thống đốc, một trong những lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là cố gắng trong năm 2013 phải tạo ra chuyển biến tích cực trong giải quyết nợ xấu, trong đó quan trọng là phải tìm biện pháp cụ thể với từng loại nợ xấu. “Thống đốc sẽ không đơn độc, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ trưởng, các cấp ngành sẽ đều phải quyết tâm” - Chủ tịch nói.
Đẩy giá thuốc: Dược phẩm “bắt tay” thầy thuốc
Đăng đàn sau Thống đốc vào cuối giờ chiều qua là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với các câu hỏi về giá thuốc, viện phí, y đức; mất cân bằng giới tính; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm yếu kém.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) vì sao có sự chênh lệch giá thuốc thậm chí ngay trong một chủng loại, địa phương và thái độ của ngành Y tế ra sao, Bộ trưởng Tiến thừa nhận giá thuốc bị đẩy lên do các tầng nấc trung gian, các hàng dược bắt tay thầy thuốc kê đơn, để hưởng hoa hồng; kết quả đấu thầu các bệnh viện có thể cao hơn giá niêm yết; pháp luật còn những kẻ hở…Bộ trưởng cho biết, giải pháp tới đây ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này Bộ Y tế đã phối hợp với TW MTTQ VN phát động cuộc vận động người Việt dùng thuốc Việt và đề xuất (đã được Chính phủ chấp thuận) 1 đề án liên quan đến vấn đề này.
Dẫn ra các văn bản pháp luật về chủ trương tăng viện phí, Bộ trưởng Y tế cho biết, tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo, diện chính sách, người dân tộc ở vùng khó khăn, người cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi… “Mọi thứ giá cả lên cao viện phí cũng phải tăng lên, phải có sự đóng góp của cá nhân, xã hội và nhà nước thì mới cải thiện chất lượng dịch vụ” - Bộ trưởng nói và khẳng định, “nếu giá viện phí thấp hơn giá thực chi thì chỉ làm khổ dân”. Tăng viện phí sẽ làm bệnh viện có thêm nguồn thu, còn nhà nước giảm dần đầu tư cho bệnh viện để quan tâm hơn đến người dân thông qua bảo hiểm y tế.
Riêng vấn đề y đức và hành nghề y dược tư nhân, các ĐBQH hỏi sẽ được Bộ trưởng Y tế tiếp tục trả lời vào sáng nay - 14/11. Sau phần trả lời của các Bộ trưởng, như thông lệ vào kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn làm rõ hơn các vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn ĐBQH.
“Các Bộ trưởng đều ở vào thế khó” Nhận xét về phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng chiều qua, trao đổi với PLVN, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói: “Các Bộ trưởng đều ở vào thế khó vì không thể nói ngay trong chốc lát là mình có thể giải quyết được vấn đề đó không trong khi tâm lý người hỏi lại muốn Bộ trưởng khẳng định. Ví dụ về thủy điện Sông Tranh 2, ĐB hỏi có an toàn không, Bộ trưởng làm sao trả lời được, trong khi các nhà khoa học chưa có ý kiến. Đành rằng Bộ trưởng là người có quyền rất cao, nhưng khi kết luận phải dựa vào ý kiến các nhà chuyên môn, cơ quan có trách nhiệm chứ không thể tùy tiện. Vì thế, tôi muốn nói cách hỏi rất quan trọng, nếu câu hỏi gây kịch tính thì chỉ giải quyết được một phần. Quan trọng là khi hỏi nên bật ra, khơi gợi vấn đề, làm cho Bộ trưởng nhận thức đầy đủ để xác định trách nhiệm và cùng tìm ra biện pháp giải quyết chứ cứ quy trách nhiệm là phiến diện. Bởi vì nói thì rất dễ nhưng làm mới khó”. T.H (thực hiện) |
Thu Hằng