Theo UBND tỉnh An Giang, Trung tâm IOC của tỉnh là giải pháp nhằm đẩy nhanh phát triển chính quyền số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Việc xây dựng IOC tỉnh An Giang nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Trước mắt, trong giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm IOC tích hợp các lĩnh vực gồm: Phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, quản lý văn bản điện tử, giáo dục, y tế, du lịch, lưu trú, hệ thống camera an ninh, giám sát thông tin mạng xã hội và tiếp nhận phản ánh của người dân.
Trong thời gian tới, IOC tỉnh sẽ là nền tảng kết nối toàn bộ hạ tầng thông tin số, tích hợp và xử lý các luồng thông tin từ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, hình thành những hệ thống thông tin và tập trung hóa dữ liệu toàn tỉnh, phát triển hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, cùng với các cơ sở dữ liệu có sẵn và các cơ sở dữ liệu sẽ đầu tư thêm được tích hợp, phân tích và khai thác, tạo ra “bức tranh số” phản ánh toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao…
Phát biểu tại lễ ra mắt và đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang khẳng định Trung tâm là khởi đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển lâu dài trong tiến trình phát triển đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số của tỉnh.
Hiện tại dữ liệu của các lĩnh vực được kết nối thời gian thực về IOC tỉnh và hiển thị trực quan trên hệ thống, toàn bộ dữ liệu đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống." Đây được ví như "bộ não" với khả năng tổng hợp, phân tích đánh giá dữ liệu của tỉnh, qua đó giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.
Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Để IOC của tỉnh vận hành thông suốt, hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, cung cấp, cập nhật đầy đủ dữ liệu vào Trung tâm IOC tỉnh một cách nhanh chóng, nhằm phục vụ công tác lãnh chỉ đạo, điều hành một cách kịp thời, chính xác. Thủ trưởng các đơn vị phải căn cứ số liệu tại IOC để chỉ đạo điều hành công tác một cách công khai, minh bạch, khoa học.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong việc tổ chức vận hành IOC; đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, sử dụng dịch vụ; phát huy hiệu quả IOC là kênh thông tin để người dân, doanh nghiệp phản ánh kiến nghị với chính quyền đối với một số lĩnh vực thiết yếu liên quan như cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, môi trường, viễn thông, trật tự an toàn giao thông... với mong muốn phục vụ người dân ngày càng tốt.