Rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19

(PLVN) -Chiều 18/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác về các vấn đề pháp lý phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Tư pháp.
Rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp luật hình sự -hành chính, đơn vị thường trực của Tổ công tác cho biết, tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp, gây vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính do hoàn cảnh khách quan, ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Liên quan tới những vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, một số đơn vị thuộc Bộ đã nêu lên một số đề xuất về việc ban hành Luật tình trạng khẩn cấp thay thế Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống dịch; sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007; sửa đổi Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Về rà soát, xử lý nội dung vướng mắc liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã tập trung cho ý kiến về một số hoạt động như: đấu giá tài sản; chi phí xét nghiệm khi tham gia tố tụng của luật sư, trợ giúp pháp lý; trình tự, thủ tục THADS liên quan đến thời hạn, thời hiệu trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19…

Thực hiện trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống COVID-19. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, kéo dài của đại dịch COVID-19; tham mưu xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ngày 12/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn “Tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19” dưới hình thức trực tuyến với 88 điểm cầu.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 đưa ra một số trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã phát sinh tranh chấp cần sự hỗ trợ, tư vấn của các bên, liên quan đến: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nước; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động; đồng thời đề nghị các đại biểu dự Diễn đàn tích cực trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Ngày 11/11, Sở Tư pháp tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 135/KH-STP triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Kế hoạch tập trung vào những nội dung cụ thể sau: Chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp; đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Thứ hai: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Thứ ba: Rà soát, đề xuất cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết thuộc lĩnh vực quản lý của Sở làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Thứ tư: Phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Kế hoạch số 01/KH-TCT ngày 8/11/2021 của Tổ công tác 2433.

Thứ năm: Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, cung cấp thông tin tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm