Rác thải của F1 cách ly tại nhà được xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một số quận tại TP HCM đã thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 của bệnh nhân COVID-19. Vấn đề rác thải của F1 khi cách ly tại nhà đã được Bộ Y tế hướng dẫn nhưng cán bộ địa phương, F1 và người thân vẫn gặp nhiều lúng túng.
Một số cán bộ của các quận, huyện vẫn chưa rõ hướng xử lý rác thải của F1 khi cách ly tại nhà sẽ như thế nào?
Một số cán bộ của các quận, huyện vẫn chưa rõ hướng xử lý rác thải của F1 khi cách ly tại nhà sẽ như thế nào?

Hướng dẫn cụ thể

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại Văn bản 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 thì chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng thải bỏ của người được cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly.

Nếu trong thời gian cách ly mà người cách ly (F1) xuất hiện triệu chứng nghi mắc Covid-19 thì toàn bộ rác thải của họ đều là chất thải lây nhiễm và được xử lý như chất thải lây nhiễm.

Nếu người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính thì thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn kèm Công văn 5152/BYT-MT ngày 27/6 và Công văn 5599/BYT-MT ngày 14/7 về thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với F1 của Bộ Y tế có nêu về cách phân loại và xử lý rác thải.

Về phân loại, theo Bộ Y tế, trong phòng cách ly F1 phải có 2 loại thùng rác và chia thành 2 loại: Thùng đựng chất thải, có mài vàng, có nắp đập, mở bằng chân đạp, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau miệng, mũi), có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” (sau đây gọi tắt là thùng chất thải lây nhiễm) và thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng chân và có lót túi màu xanh (sau đây gọi là thùng đựng chất thải sinh hoạt).

Đối với F1 khi cách ly y tế tại nhà, hàng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm trong phòng.

Rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa phòng để thu gom hàng ngày.

Đối với người thân của F1 (sống chung nhà), thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày của người cách ly. Đối với cán bộ y tế thì hướng dẫn người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở chung nhà thu gom chất thải theo hướng dẫn trên. Các phường, xã tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Đảm bảo không để mầm bệnh lan ra môi trường

Ngày 8/7, UBND TP HCM có Văn bản 2286 hướng dẫn thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 thì chỉ nêu: Các trung tâm y tế địa phương hướng dẫn người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà thu gom chất thải theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Hướng dẫn 5152).

Một cán bộ Tài nguyên và Môi trường của TP HCM nói: “F1 là người chưa bị bệnh nhưng xác suất bị bệnh rất cao. Những gì liên quan đến F1 đều có khả năng mang mầm bệnh Covid-19. Nếu mang mầm bệnh mà không được xử lý đúng cách thì dễ lây lan ra bên ngoài. Hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn chưa đầy đủ về rác thải của F1”.

Bộ Y tế hướng dẫn tại phòng cách ly của F1 có 2 loại chất thải là chất thải lây nhiễm gồm khẩu trang, khăn, giấy lau miệng, mũi và chất thải sinh hoạt. “Ví dụ, ống hút, chai nước, hộp cơm, muỗng, đũa dùng 1 lần, xương cá, đồ ăn thừa… được F1 sử dụng thì là loại rác thải sinh hoạt hay chất thải lây nhiễm? Vì các đồ dùng đó đều tiếp xúc trực tiếp và dính nước bọt của F1, cũng có khả năng mang mầm bệnh”, vị cán bộ trên nói.

“Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì rác thải sinh hoạt của F1 sẽ được người thân thu gom hàng ngày. Số rác thải này nếu người thân bỏ chung với rác thải sinh hoạt của gia đình rồi mang ra trước nhà để nhân viên vệ sinh đến thu gom. Nếu rác thải sinh hoạt của F1 có mầm bệnh thì người thân, nhân viên vệ sinh sẽ trở thành đối tượng tiếp xúc mầm bệnh. Tại sao? Thứ nhất vì đa số nhân viên vệ sinh thu gom rác thải thông thường không có đồ bảo hộ theo chuẩn thu gom rác thải lây nhiễm. Thứ hai, không phải ngày nào F1 cũng được xét nghiệm Covid-19 để xác định số rác thải do họ thải ra chỉ là rác thải thông thường”, vị cán bộ thắc mắc.

Còn nếu chờ nhiều ngày mới vứt rác khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới thu gom thì không đảm bảo vệ sinh môi trường (một số chất thải hữu cơ dễ phân hủy gây mùi). Hơn nữa, hướng dẫn lại nêu là “thu gom hàng ngày”.

“Hay là tất cả rác thải từ gia đình có người F1 đang cách ly dù là rác thải lây nhiễm hay rác thải thông thường đều được xử lý theo quy trình rác thải lây nhiễm? Chúng tôi mong rằng được hướng dẫn cụ thể để khỏi xuất hiện tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, khỏi phải lúng túng khi hướng dẫn cho người dân và nhất là tránh tình trạng rác thải có mầm bệnh ra ngoài môi trường dẫn đến lây nhiễm”, vị cán bộ này nói.

Đọc thêm