Rác thải sinh hoạt từ khu cách ly vì dịch Covid-19 được xử lý như thế nào?

(PLVN) - Trong những ngày này, Việt Nam vẫn đang nỗ lực dồn sức để kiểm soát dịch Sars-CoV-2. Bên cạnh việc cho cách ly và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho dân ở khu vực bị cách ly, thì việc xử lý rác thải sinh hoạt từ các hộ dân cư ở đây cũng được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Phun khử trùng thùng đựng rác
Phun khử trùng thùng đựng rác

Đặc biệt, mới đây, tại khu cách ly ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội hiện có 60 hộ dân và 195 người dân thuộc diện cách ly (từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch), vì vậy, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân là khá lớn. Vì thuộc khu vực nội thành, đất chật nên toàn bộ lượng rác thải từ khu cách ly này tiềm ẩn mối nguy hại lây nhiễm bệnh dịch rất lớn nếu không được xử lý đúng quy trình một cách nghiêm ngặt.

Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch Sars-CoV-2. Theo chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đưa ra chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch Sars-CoV-2. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi phát sinh ổ dịch) chịu trách nhiệm khoanh vùng và quản lý chặt chẽ chất thải tại vùng dịch để xử lý theo hướng dẫn của Sở Y tế, chỉ đạo đơn vị thu gom vận chuyển rác phải thực hiện thu gom, vận chuyển rác tại vùng dịch theo quy trình thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại thường xuyên, đặc biệt sau khi phát sinh ca nhiễm virus Sars-CoV-2 tại phố Trúc Bạch (Ba Đình) vào ngày 6/3 để ngăn ngừa sự phát tán dịch bệnh ra môi trường.

Như vậy, tại quận Ba Đình, nơi có khu vực đang cách ly (phố Trúc Bạch) có trách nhiệm trực tiếp trong việc đảm bảo thực hiện thu gom rác thải một cách nghiêm túc nhằm bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo không phát tán mầm lây dịch bệnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình - ông Tạ Nam Chiến cho biết, quận Ba Đình đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội về việc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình ở khu vực trong rào chắn (đoạn từ Trúc Bạch – Châu Long đến Trúc Bạch – Ngũ Xã) nhằm phòng, chống lây lan dịch bệnh do Sars-CoV-2.

Rác thải sinh hoạt được xử lý theo quy trình xử lý chất thải y tế

Việc thu gom rác tại khu cách ly được thực hiện chặt chẽ theo quy trình thu gom chất thải y tế từ ngày 8/3.

Theo đại diện của Urenco 13, quy trình xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt của các hộ dân khu vực cách ly phố Trúc Bạch được công ty xử lý tại cơ sở theo quy trình xử lý rác thải nguy hại. Đơn vị thực hiện phát túi nilon chuyên dụng cho các hộ dân để đựng rác thải sinh hoạt cùng với dung dịch diệt khuẩn và bình xịt. Đồng thời, người dân cũng được hướng dẫn về quy trình xử lý rác thải tại nhà và cách mang ra điểm thu gom, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm tối đa.Trung bình, đơn vị thu gom khoảng 50kg rác thải/ngày trong khu vực cách ly.

Hằng ngày, đơn vị đặt các thùng đựng rác (màu vàng, có nắp đậy) và thực hiện thu gom rác trong 30 phút (từ 8h-8h30) tại khu phố Trúc Bạch. Việc đặt thùng rác 30 phút mỗi ngày để tránh tình trạng rác thải lưu cữu quá lâu, gây mất vệ sinh và tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh. 

Hơn nữa, rác thái cũng được người dân phân thành 2 loại: Rác thải sinh hoạt và rác thải y tế (gồm khẩu trang và các dụng cụ diệt khuẩn đã qua sử dụng).

Trước khi vào khu cách ly để thu gom rác thải sinh hoạt, công nhân được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ như quần áo, khẩu trang, găng tay, bọc giày. Sau khi xử lý xong rác thải, đồ bảo hộ sẽ được thay ngay tại nơi tập kết rác và xịt khử trùng.

Trong vòng 30 phút, các công nhân sẽ tiến hành tập kết các thùng đựng rác, rồi tiến hành phun khử khuẩn, sau đó, toàn bộ rác thải của các hộ dân được chuyển lên xe chuyên dụng đến cơ sở xử lý của đơn vị. Sau đó tiến hành khử khuẩn các thùng rác và khu vực tập kết một lần nữa.

Phương tiện vận chuyển chuyên dụng ra, vào khu cách ly cũng đều được phun khử khuẩn theo quy định.

Hơn nữa, trong quá trình thu gom rác thải tại khu cách ly phố Trúc Bạch, Urenco 13 cũng đã tăng cường phun xịt khử khuẩn bằng Cloramin B với liều lượng đậm đặc hơn. Và các công nhân thu gom rác thải của khu cách ly cũng có trách nhiệm khai báo công việc với chốt trực tại khu vực cách ly.

Cho dù, trong khu vực phố Trúc Bạch bị cách ly, có rác thải y tế nhưng khối lượng rác sinh hoạt của các hộ dân cư là chủ yếu nhưng toàn bộ lượng rác mỗi ngày ở đây đều đã được xử lý nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn theo đúng quy trình của việc xử lý rác thải nguy hại – rác thải y tế.

“ Các hộ dân khu vực cách ly đều chấp hành đúng hướng dẫn của công ty trong việc lưu chứa, thu gom rác thải.” - Đại diện Urenco 13 cũng chia sẻ thêm. Và ông cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân trong khu vực cách ly rằng không nên lưu trữ rác trong nhà lâu ngày, đổ rác đúng giờ thùng rác tới nơi. Điều này vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Sars-CoV-2.

Trước đó, trong giữa tháng 02/2020, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng đã bị phong tỏa, cách ly 14 ngày. Khu vực cách ly là vùng nông thôn, lên tới 2.000 hộ dân, 10.600 nhân khẩu, mỗi ngày, lượng rác thải ra tại xã Sơn Lôi lên tới 15 tấn, vốn trước kia chỉ rác thải chỉ được thu gom 2 lần/tuần, nhưng để đảm bảo an toàn vệ sinh cho người dân, Hợp tác xã dịch vụ Môi trường tiến hành tăng cường, thu gom 3 lần/tuần. Trước khi xã tiến hành chôn lấp, rác thải sẽ được xử lý bằng vôi bột, phun tiêu độc, khử trùng, bao gói và tập kết bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường.

Rác thải sinh hoạt được xử lý nghiêm trong khu vực cách ly phố Trúc Bạch
Rác thải sinh hoạt được xử lý nghiêm trong khu vực cách ly phố Trúc Bạch

Phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh từ rác thải

Hằng ngày, từ các hộ gia đình, khu bệnh viện, khu công cộng… đều phát sinh ra rác thải. Và trong suốt thời gian qua, việc xử lý rác thải là một trong những vẫn đề vẫn còn gây nhiều bức xúc. Đặc biệt, hiện đang trong mùa dịch Sars-CoV-2, rác thải nếu xử lý không triệt để, đúng theo quy định sẽ trở thành “ổ” lây nhiễm, lan truyền dịch bệnh, đặc biệt là tại các khu vực cách ly, khu vực điều trị. 

Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo, việc xử lý khẩu trang đúng cách sau khi sử dụng là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh bởi không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà đây còn là nguồn phát tán, lây nhiễm nhiều loại bệnh tật, trong đó có dịch Sars-CoV-2.

Trong thời gian dịch bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam, tình trạng vứt khẩu trang y tế bừa bãi đã trở thành một trong những tâm điểm, cho dù người dân “vật vã” mới có thể mua được khẩu trang y tế. Không chỉ khẩu trang y tế, mà rác thải sinh hoạt cũng được vứt chung lẫn lộn với nhau. 

Trước tiên, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các công nhân môi trường, họ sẽ là đối tượng dễ bị lây nhiễm và lây lan dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đang diễn biến ngày một phức tạp. Sau là chính người dân khi hằng ngày phải hít những mùi hôi thối, vi khuẩn từ những đống rác vứt đổ bừa bãi.

Vì vậy, cùng với việc nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì việc chủ động làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt trên địa bàn mình sống cũng sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch Sars-CoV-2. Đặc biệt là đối với khu vực đang cách ly vì dịch Sars-CoV-2, mỗi người, mỗi hộ gia đình cùng chung tay góp sức giữ sạch môi trường bằng những cách đơn giản như phân loại rác, đổ rác đúng nơi quy định là cách tốt nhất để mỗi người dân phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình, cho cộng đồng, và vượt qua thời gian cách ly một cách an toàn.