Rất cần những cán bộ biết việc và hiểu luật

(PLVN) - Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng từ 0h ngày 1/4 và kéo dài 15 ngày.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định, cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước. Ảnh TTXVN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định, cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước. Ảnh TTXVN.

Các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, dẫn đến việc làm “quá tay” của một số địa phương, khiến người dân không bằng lòng.

Để kịp thời gỡ những vướng mắc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định, cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước. Đây là những dự lệnh, khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm.

Tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ, một lần nữa Thủ tướng lưu ý một số địa phương: “Chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ “cách ly xã hội””.  

Trong lúc cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang huy động mọi nguồn lực để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh thì tinh thần chống dịch được người dân rất ủng hộ. Cách ly xã hội là bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Bởi bên cạnh việc chống dịch, chúng ta vẫn phải đảm bảo sự vận hành của xã hội, tạo đà cho kinh tế phát triển, không vì việc này mà xao nhãng việc kia. Nói như Thủ tướng thì chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra.

Như vậy, có nghĩa hai mục tiêu này phải luôn song hành cùng nhau, hỗ trợ nhau, không thể lấy lý do phòng chống dịch bệnh để “đóng băng” toàn xã hội. Những nhà máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn phải tiếp tục hoạt động; người dân vẫn phải ra khỏi nhà để mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Rào đường, bắt xe quay đầu, “đẻ” ra “giấy phép con” cho người dân đi lại là cực đoan.

Những hành động cực đoan đó không chỉ không có lợi cho công tác phòng chống dịch bệnh, mà còn làm mất đi tính nhân văn trong các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng.

Nó cũng đi ngược lại truyền thống về một dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm qua luôn đoàn kết, thương yêu nhau trong cơn hoạn nạn mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để chiến thắng đại dịch.

Trước mối hiểm nguy khủng khiếp của đại dịch Covid-19, tất cả đều dồn sức cho việc chống dịch. Trách nhiệm này không chỉ của riêng ai, nhưng trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, các địa phương, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể.

Trên thực tế, có không ít quyết sách được ban hành rất “hợp ý Đảng, lòng dân”, nhưng việc thực hiện kém hiệu quả cũng bởi vì khâu thực hiện không chuẩn. Để hiểu đúng, làm đúng những yêu cầu, chỉ thị của cấp trên, rất cần những cán bộ biết việc và hiểu luật, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mọi quyết sách, yêu cầu phải được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. 

Đọc thêm