Công việc nhọc nhằn, đơn độc của người giữ rừng không phải là mối bận tâm của cựu chiến binh Lê Văn Nhánh. Vấn đề là làm thế nào để tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, vượt lên mọi thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ trong khi “Robinson” chỉ còn một chân...
Vượt lên số phận
Anh chàng “Robinson” ấy đang giữ rừng ở cồn Ông Lễ (xã An Điền), nơi vùng đất heo hút nhất của huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nằm sát bên bờ biển Đông.
Trên cồn, không gian vắng lặng, chỉ có tiếng vi vút của rừng dương mỗi khi gió biển từ khơi xa kéo vào bờ và xa xa vẳng lại là tiếng rầm rì của sóng biển. Lù lù hiện ra giữa rừng dương là một người đàn ông dáng người vạm vỡ, mình trần, đen đúa nhưng mất hết một chân. Người đàn ông ấy khệ nệ bước đến gần tôi, đưa tay gạt mồ hôi trên trán...
Thương binh Tám Nhánh bên rừng dương liễu. |
“Xin lỗi, có phải anh là Tám Nhánh?” - tôi mở đầu. “Đúng, tôi đây. Lính giữ rừng...” - Tám Nhánh nói.
Anh mời tôi vào ngôi nhà lá, ngôi nhà mà anh được phép cất tạm trong đất rừng để làm chốt giữ rừng ngay sát khém Bần. Giọng thật hồn hậu, anh tâm sự với tôi: “Tôi: Lê Văn Nhánh, sinh năm 1955, trước năm 1980 là lính của Tiểu đoàn Hậu cần, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Năm 1980, trên chiến trường K, tôi đạp mìn, phải cưa mất chân phải và trở thành thương binh loại 3/4 ...”.
Khi xuất ngũ, anh Lê Văn Nhánh trở lại quê nhà ở vàm Biện Lễ, xã An Thạnh, Thạnh Phú sống cảnh nghèo rớt mồng tơi với đàn con nheo nhóc bốn đứa. Anh thở dài: “Sống giữa vùng sâu, bốn bề sông nước nhưng tôi chỉ còn lại một chân, đó là mặt hạn chế lớn ở tôi trong cuộc mưu sinh để nuôi bản thân và vợ con!”.
Thời gian này, trên bờ làm ruộng không sống nổi nên anh chuyển qua sống nghề hạ bạc trên sông nước như đi rập cua, hứng cua, chài lưới bắt cá...; đi vá lưới mướn, vào rừng kiếm củi... Giọng anh thương binh se lại: “Cái vất vả của nghề bạc là chuyện đương nhiên.
Có điều, đi mò cua bắt ốc giữa sông nước mênh mông mà mình chỉ có một chân thì làm sao bằng người ta. Thú thật, nhiều lúc một mình chèo xuồng trên con sông vắng nào đó, nhớ đến cuộc sống của gia đình sao quá trời khó khăn và rồi khi tôi nhìn xuống chân mình, những lúc đó ở tôi vẫn mơn man trong ý định thà chết đi cho rồi còn hơn... Song khi nghĩ đến đàn con, tôi lại lấy hết bình sinh, tiếp tục chèo chống con xuồng và cố đưa nó vượt qua mọi sóng gió...”.
Anh Nguyễn Kim Tưởng, người cùng quê, đồng đội cũ của Tám Nhánh, nói: “Tám Nhánh là người chịu cực rất giỏi và nhất là rất dũng cảm. Với anh, trên sông nước hay nơi giữa rừng sâu không một bóng người, không phương tiện liên lạc, ngủ qua đêm là chuyện thường tình”.
Nhờ vào tính quật cường, chịu thương chịu khó, năm 1987, Tám Nhánh được nhận vào làm ở Tổ bảo vệ và gia cố Đập đá hàn tại Vàm Rỗng. Sau đó anh được điều chuyển sang Đội giữ rừng tại Nông trường do Tỉnh đội Bến Tre quản lý. Từ năm 1997, anh là lính giữ rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre cho đến nay.
Bảo vệ lá phổi xanh
Cơn bão số 5 (năm 1997) tàn phá nặng nề đất và rừng ven biển Thạnh Phú. Sau cơn bão ấy, Tám Nhánh đến nhận công tác ở cồn Ông Lễ với nhiệm vụ trồng rừng, giữ rừng. Những cây dương liễu (phi lao) ngày ấy do anh trồng nay đã cao ngất ngưởng, trở thành khoảng rừng phòng hộ rộng 4,8 ha. Tám Nhánh cho biết: “Hiện tôi là Tiểu khu trưởng Tiểu khu 13. Tiểu khu 13 có trên 60 ha rừng bần, 4,8 ha rừng dương.
Tổ giữ rừng gồm 3 người. 3 anh em chúng tôi chia nhau mỗi người canh giữ một khu vực rừng” - Tám Nhánh chỉ tay qua phía bên kia khém Bần - “Rừng đã hồi sinh. Những thảm rừng bần phát triển xanh thẳm như vậy, từ đây (An Điền) đã kéo dài đến cửa sông Hàm Luông, bao lấy bờ biển hai xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, dài xa hơn 25 km. Còn bên trong rừng bần là rừng dương, đước, mắm..., tất cả tạo thành một lá chắn xanh vững vàng bên bờ biển Đông”.
Đêm trên cồn Ông Lễ, gió từ ngoài biển phần phật kéo vào rồi như muốn hất tung ngôi nhà lá giữ rừng của Tám Nhánh lên không trung. Trong nhà, bên ánh đèn dầu liên hồi nhảy múa, tôi hỏi Tám Nhánh về tiền thù lao cho người giữ rừng. Tám Nhánh trầm ngâm chút: “50.000 đồng/ha/năm. Tổ gồm 3 anh em chúng tôi giữ 66 ha, chia ra mỗi người được khoảng 1,1 triệu đồng/năm. Mùa nắng ở đây rất hiếm nước ngọt.
Để cải thiện cuộc sống, tôi nuôi đàn gà, trồng ít hoa màu ngắn ngày trên đất trống của rừng vào mùa mưa; có nước (thủy triều lớn, ròng), tôi tranh thủ đi hứng cua, rập cua. Đạm bạc lắm thôi. Tuy nhiên, tôi cũng tạm sống được vì hiện các con tôi đã trưởng thành và hàng tháng tôi còn có thêm tiền thương binh...”.
Năm 1997, khi chàng “Robinson” này đến khém Bần trồng rừng, cả khu vực rộng ở đây còn rất hoang sơ, gần như không có bóng người. Theo năm tháng, rừng kia lớn lên, rừng ngày càng nở rộng thêm ra và giờ đây rừng xanh gần như che phủ hết mọi hoang tàn đổ nát sau cơn bão số 5. Bấy giờ, dân cư cũng lần luợt đến sinh sống cạnh khu vực rừng phòng hộ nhiều hơn. Qua vận động của Tám Nhánh, với ý thức về tầm quan trọng của rừng, sau đó họ cũng là những “chiến sĩ giữ rừng” như anh.
Ngoài làm Tiểu khu trưởng Tiểu khu 13, Tám Nhánh còn là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản 22 của xã An Điền. Thời gian qua, anh đã vận động, xốc tay vào việc xây nên một lớp học tình thương cho các em cháu ở cồn Ông Lễ. Lớp học này lúc “sung nhất” lên đến 16 em. Tám Nhánh tâm sự: “Chưa có điện thì mình xài đèn dầu, chẳng sao cả, chứ không thể để các cháu mù chữ...!”.
Lúc tiễn tôi về thành phố Bến Tre, những người giữ rừng chốc chốc lại ca bài: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao... dù cho thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích...”. Họ cùng ca, rất lạc quan, nhưng hát với cây đàn ghi ta đã bị đứt hai dây vậy mà cũng chưa mua được dây đàn mới để thay.
Còn trống nhạc? Tám Nhánh chơi bằng... thao mủ, tức lấy một chiếc thao, đổ nước vào đó cho thiêm thiếp rồi lấy thêm một chiếc thao nữa úp xuống trong chiếc thao đó. Thế là dùng đũa đánh xuống thao, dưới thao có nước làm dội lên thứ âm trống tự tạo nghe cũng khá xôm tụ. Tám Nhánh cười gượng: “Cây nhà lá vườn thôi... Lính giữ rừng chúng tôi còn phải chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ...”.
Phan Lữ Hoàng Hà