Rơi nước mắt với gia cảnh túng quẫn của nữ tiếp viên bị rạch mặt

  Khi N. được 15 tuổi đã theo người quen lên Sài Gòn làm thuê để kiếm tiền giúp cha nuôi hai đứa em. Hai đứa em N. còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất mẹ và gia cảnh túng quẫn của gia đình. Đứa em gái N. càng lớn càng tỏ ra khù khờ, lơ ngơ, ai bảo gì làm nấy, bảo đi chợ mua đồ ăn mà đi lang thang ở đâu từ sáng đến đứng bóng mới nhớ đường về nhà nên cũng không phụ giúp gì được. Căn nhà lá xiêu vẹo trống trước hở sau là nơi trú ngụ của mấy cha con trong nhiều năm. Trước tình cảnh “gà trống nuôi con”, chính quyền mới xét cho căn nhà tình thương vào năm 2010 và hỗ trợ cho cha N. một chiếc xuống để ông làm kế sinh nhai nuôi mấy đứa nhỏ...
[links()]
Cái tin “con N bị người ta rạch nát mặt ở Sài Gòn” làm chấn động cái xóm nghèo ở ấp 3, xã Phong Thạnh Tây (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, quê của nạn nhân Trần Tố N). Nhiều người “ác mồm ác miệng” còn “đoán già, đoán non” là “do giựt chồng người ta nên mới bị rạch mặt để cảnh cáo”. Ở cái vùng quê quanh năm chan chát nắng, lúc nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này thì chuyện của N bị tàn đời vì phải khâu hơn 70 mũi trên mặt không khác gì “sét đánh ngang tai”.
Người cha khốn khổ
Chúng tôi tìm về gia đình của N để tìm hiểu gia cảnh của cô gái đáng thương này. Dù có số điện thoại của cha N trong tay nhưng phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được nơi cư ngụ của gia đình. Đó là một ngôi nhà tình thương nằm biệt lập giữa đồng, xung quanh nhà là hai con kênh nội đồng đầy ắp nước mặn. Gia đình N thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nên cuộc sống của mấy cha con rất cơ cực.
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông nước da đen nhẻm, dáng người gày gò, nét khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt vì những năm tháng vật lộn với áo cơm. Đó là cha của nạn nhân, ông Trần Văn K (SN 1959), là người đã trôi dạt từ địa phương khác về đây lập nghiệp khi gặp mẹ của N
Cái tin con mình bị người ta rạch nát mặt ở Sài Gòn làm chấn động cái xóm nghèo. Vẻ mặt đau khổ tột cùng, ông khẳng định chắc nịch: “Con tôi sinh ra tôi biết, dù nó có làm gì đi nữa nhưng chuyện giựt chồng người ta nó không bao giờ dám làm. Ăn nói chi mà ác quá”. 
Rồi ông trầm giọng kể về đứa con, kể về người vợ quá cố của mình với cả tình thương của một người cha, một người chồng. Trước đây, gia đình ông có đến 20 công đất nuôi tôm nhưng gia đình lại lâm vào cảnh cơm không đủ no khi mất mùa liên tục rồi đổ nợ. Ông nhớ lại: “Thất chí, gia đình ra chợ mướn một chỗ để bán rau, con N mới học hết lớp 7 cũng bỏ học theo mẹ ra chợ kiếm từng đồng bạc vụn”. Rồi gia đình lâm vào cảnh túng quẫn hơn khi mẹ của N ngã bệnh, căn bệnh khối u não ác tính quái ác đã cướp đi sinh mạng của người mẹ trẻ, bỏ lại 3 đứa con thơ dại với đứa lớn nhất là N mới mười mấy tuổi đầu.
Người cha âu sầu: “Khi con N được 15 tuổi, nó theo người quen lên Sài Gòn đi làm để kiếm tiền giúp cha nuôi hai đứa em. Hai đứa em thì còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất mẹ và gia cảnh túng quẫn của gia đình. Đứa em gái nó càng lớn càng tỏ ra khù khờ, lơ ngơ, ai bảo gì làm nấy, bảo đi chợ mua đồ ăn mà đi lang thang ở đâu từ sáng đến đứng bóng mới nhớ đường về nhà nên cũng không phụ giúp gì được”. Căn nhà lá xiêu vẹo trống trước hở sau là nơi trú ngụ của mấy cha con trong nhiều năm. Trước tình cảnh “gà trống nuôi con” của ông, chính quyền mới xét cho căn nhà tình thương vào năm 2010 và hỗ trợ cho ông một chiếc xuống để ông làm kế sinh nhai nuôi mấy đứa nhỏ.
Nghèo đến nỗi không đủ tiền đi thăm con bị hại
Khi chúng tôi hỏi ông biết N đi làm gì ở Sài Gòn hay không, ông nói: “Chỉ biết nó đi phụ bán quán cho người ta thôi, mỗi tháng nó đều gởi tiền về để phụ giúp gia đình. Hôm rồi nó về đám giỗ, nó bảo con sẽ ráng làm để tết về cất nhà sau cho cha và mua đồ tết cho đứa em, ai ngờ bây giờ nó bị người ta hại đời đến như thế. Khi hay tin con bị người ta rạch mặt, tôi rất đau đớn nhưng vì nghèo quá lấy tiền đâu lên thăm con nên đành nén lòng, mấy hôm trước nó có điện về bảo là khỏe rồi nên tôi cũng bớt lo”. 
Người cha đau lòng kể, thực hư chuyện con gái ông  rạch mặt ra sao thì ông không biết, nhưng ở cái xứ này khi ra đường ông không dám nhìn mặt ai vì mọi người hiểu nhầm. Hai đứa em thì còn nhỏ, lại ngây ngô nên ông cũng không dám cho nó biết chuyện của chị nó, ông chỉ ôm đau khổ một mình. “Đứa em nó ngày nào cũng mong chị nó về để mua quà. Tôi thì chỉ cầu mong cho mấy chú công an bắt được bọn đã ra tay tàn nhẫn với con mình để trừng trị theo pháp luật”, ông nói. 
Rời nơi trú ngụ của gia đình N, nụ cười ngây ngô của em gái nạn nhân và khuôn mặt khắc khổ của cha N làm lòng chúng tôi quặn thắt. Rồi đây với khuôn mặt tàn tạ, không biết cô sẽ sống ra sao và làm gì để phụ giúp cha nuôi em. Cái tuổi xuân và khuôn mặt ưa nhìn của N đã bị bọn người vô lương tâm cướp mất chỉ vì những chuyện không đâu. Khi ra tay rạch nát mặt cô gái, chúng đâu có biết nơi quê nghèo N còn có một người cha, một người em tâm thần đang từng ngày trông chờ những đồng tiền ít ỏi của cô gởi về sau những tối cực nhọc bưng bê nhận những tờ tiền bo nhàu nhĩ?
Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra công an Quận 8 đã khởi tố vụ án và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Dính (27 tuổi, anh trai tiếp viên Ly) về hành vi “cố ý gây thương tích”, đến ngày 1/11/2011 đã bắt thêm đối tượng đồng phạm Trần Thanh Phong (24 tuổi). Đối tượng Nguyễn Thị Muội (28 tuổi, chị dâu tiếp viên Ly) được xác định là người trực tiếp rạch mặt nạn nhân và những tên còn lại hiện đang lẩn trốn, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và truy bắt.
Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm