Giải quyết tình trạng chuyển nước và thủy điện của các nước thượng nguồn, trung nguồn dòng sông Mê Kông trong bối cảnh hiện nay và tương lai ra sao? Các vấn đề trên đã được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo “Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hôm qua (20/7) tại Hà Nội.
Thượng lưu khai thác, nước ngày càng cạn
Lưu vực sông Mê Kông có diện tích khoảng 795.000km² với tổng dung lượng nước hàng năm là 475 tỷm³. Tuy nhiên, lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Theo khảo sát, trong số tổng lượng nước hàng năm nói trên, Trung Quốc chiếm 16%, Myanma 2%, Lào 35%, Thái Lan 18% và Việt Nam dù hạ nguồn sông nhưng chỉ chiếm 11%. Hiện lượng nước sông Mê Kông lấy để dùng cho nông nghiệp, công nghiệp và các loại sử dụng có tiêu hao khác ở lưu vực vào khoảng 60 tỷ m³.
Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông cho biết, theo các kế hoạch phát triển kinh tế Thái Lan lần thứ X (2005-2010) và XI (2011-2016), tầm nhìn đến năm 2027 thì vùng Đông Bắc Thái sẽ được định hướng trở thành trung tâm sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và nhiên liệu sinh học của Thái Lan.
Vì thế, việc xây dựng mới và cải tạo hệ thống tưới tiêu, dẫn nước, chuyển nước từ dòng Mê Kông là điều sớm muộn. Cùng với đó, Thái Lan là nước hiện có nhiều công trình tưới (6.338 công trình) với diện tích tưới lớn thứ 2 chỉ sau Việt Nam. Hiện Thái Lan dự định có thêm 990 dự án nữa chủ yếu là chuyển và bơm nước từ sông Mê Kông.
Tuy diện tích không lớn nhưng hai nước Campuchia và Lào đang trong giai đoạn mở rộng canh tác, thâm canh để sản xuất gạo và cây công nghiệp. Theo dự kiến sắp tới, Campuchia sẽ xây mới cho 6.000ha cộng thêm 504.245ha hiện tại cho diện tích tưới, còn Lào sẽ mở rộng 238.617ha cùng 166.476ha hiện tại. Chính vì thế, ĐBSCL của Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn khi lưu lượng nước ngày càng cạn dần.
Hậu quả khó lường
Qua chuyến đi thực tế tại Thái Lan do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức, ông Quảng cho biết, hiện tại, người Thái đang xây dựng dự án chuyển nước tuyến Mê Kông – Nong Han - Lam Pao, dự kiến xây 30 hồ chứa, trữ nước sông Mê Kông chuyển vào để tưới cho các vùng quanh hồ. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và hiện đang chuyển bị đào sâu, mở rộng lòng hồ với diện tích 28,124 triệu Rai (45km2). Khi hồ được tôn cao bằng hệ thống đê bao quanh thì dung tích chứa lên tới 102 triệu m3, lượng nước hàng năm ra vào là 2,8 tỷ m3.
Trong khi đó, Campuchia cũng không “kém cạnh”. Theo ông Quảng, nước này đang xây dự án tưới Vaico với tổng chi phí khoảng 200 triệu USD, hạng mục chính là kênh dẫn nước từ dập vào hồ Krapik, dung tích khoảng 100 triệu m3.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Hồng Toàn (chuyên gia Ủy ban sông Mekong Việt Nam), việc chuyển nước sông Mê Kông không phải là mới, các nước đã triển khai từ năm 1960, tuy nhiên đến năm 2014 thì người Thái và người Campuchia cho tổ chức xây dựng quy mô hơn. “Việc xây dựng thủy điện tại thượng nguồn của các nước đã gây không ít khó khăn cho ĐBSCL rồi. Nhưng thủy điện kết hợp cùng chuyển nước sẽ rất nguy hiểm cho nước ta, trong khi chúng ta đang ở vị thế hết sức bất lợi”, ông Toàn nói.
Cho rằng xung đột quyền lợi của các nước khi sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Kông là khó tránh khỏi, trong khi việc chuyển nước và thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, bà Đặng Thị Hà Giang (chuyên gia Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường) phát biểu: “Việc khai thác và sử dụng nước trên dòng sông Mê Kông nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho vùng hạ lưu. Kinh nghiệm rút ra từ các kết quả nghiên cứu tài nguyên nước trên sông Hồng, sông Mã, sông Cả,… cho thấy dòng sông chảy về mùa kiệt là nguyên nhân gây tác động đến hạn hán, xâm nhập mặn ở hạ du và gây rủi ro tiềm ẩn thiệt hại môi trường. Lợi ích thu được ở thượng lưu, hạ lưu phải chi trả”.