Ngày 22/4, Hạt kiểm lâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cưa hạ hàng loạt cây thông cổ thụ gần trăm năm tuổi trên đường Trần Hưng Đạo bị cưa hạ.
Tại hiện trường, nhiều cây thông có đường kính từ 40 cm đến 80 cm nằm ngổn ngang. Có những cây thông trước khi bị cưa hạ, các đối tượng đã đốt vào gốc trong thời gian dài khiến cây mục dần phần lõi và chết từ từ. Một số cây khác trước khi bị cưa hạ gốc vẫn còn tươi nguyên.
Quanh khu vực còn có không ít cây thông đã bị cưa hạ cách đây nhiều tháng. Tại khu vực trên, một số cây thông khác dù còn sống nhưng cũng đang có những dấu hiệu bị tác động vào gốc. Hiện lực lượng chức năng đang kiểm đếm, xác định trữ lượng gỗ bị tàn phá, thiệt hại.
Vị trí những cây thông cổ thụ bị cưa hạ thuộc các thửa đất số 17 và 19 đường Trần Hưng Đạo. Đây là rừng nội ô do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên (Đà Lạt) quản lý. Theo đơn vị quản lý, khả năng, những đối tượng vi phạm đã lợi dụng ngày nghỉ, ngày mưa, đêm tối để triệt hạ thông.
Cũng theo Ban Quản lý rừng Lâm Viên, vị trí đất những cây thông cổ thụ vừa bị cưa hạ đã được nhà nước giao cho cá nhân và đã chuyển đổi mục đích sang đất ở đô thị. Tuy nhiên, cây thông trên đất vẫn thuộc sự quản lý của đơn vị. Vị trí hàng loạt cây thông bị cưa hạ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Đây là trục đường quy hoạch bảo tồn kiến trúc, di sản với hàng chục căn biệt thự cổ nổi tiếng bậc nhất Đà Lạt. Tất cả được người Pháp cho xây dựng từ những năm nửa đầu của thế kỷ XX, nay vẫn trong điều kiện sử dụng gần như hoàn hảo.
Thời gian qua, vấn đề quản lý rừng đang gây nhức nhối tại địa bàn Lâm Đồng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 680 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, có 45,5 ha rừng bị phá, thiệt hại hơn 2.472 m3 gỗ. Riêng Quý 1 năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 152 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 12% so với cùng kỳ 2020), 10,5 ha rừng bị phá (tăng 42%), thiệt hại hơn 1.000 m3 (tăng 121%) gỗ các loại.