Sách cho tôi, cho bạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những câu chuyện về các bậc vĩ nhân thành tài nhờ đọc sách, bài học, triết lý từ thế hệ đi trước để lại hay những câu chuyện nhân văn trong mỗi trang sách sẽ gieo vào tâm trí người đọc ước mơ, khát khao và bản lĩnh, sự sáng tạo.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam khơi dậy niềm đam mê đọc sách. (Ảnh minh họa)
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam khơi dậy niềm đam mê đọc sách. (Ảnh minh họa)

Có thể khẳng định, văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cá nhân, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc.

Lan tỏa tình yêu đọc sách

Một khảo sát quốc tế cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, toàn ngành chỉ có gần 400 triệu bản in. Nếu chia ra đầu người, tỉ lệ đọc ở Việt Nam chỉ đạt trên 1 cuốn/người/năm (chưa bao gồm sách giáo khoa và sách giáo dục tham khảo).

Từ các con số trên, có thể thấy hiện nay sức đọc của người Việt rất thấp, hay nói khác đi là chúng ta chưa có thói quen đọc sách. Câu hỏi đặt ra, vậy làm sao để thay đổi thực trạng này? Làm sao để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng?

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng tới vấn đề này và cũng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tăng cường tuyên truyền để lan tỏa tình yêu với sách, khơi dậy đam mê đọc sách.

Kể từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày Sách Việt Nam; với mục tiêu khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây và vẫn được diễn ra vào ngày 21/4 hằng năm.

Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề cao vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Từ thực tiễn và những mục tiêu phát triển đất nước, từ ý nghĩa của việc đọc sách, thiết nghĩ, chúng ta cần tăng cường lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đọc sách để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn mỗi con người, để chúng ta có một tâm hồn đẹp, giàu giá trị nhân văn, nhân ái; để chúng ta bắt kịp với sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, cũng cần hình thành cho mình một thói quen hàng ngày để việc đọc sách không chịu bất kỳ sự áp lực nào, để nó trở thành nhu cầu tự thân như việc chúng ta phải ăn, uống và hít khí trời mỗi ngày.

“Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023 bắt đầu từ ngày 16/3 đến hết tháng 4; trọng điểm từ ngày 15 - 21/4/2023. Các hoạt động nhằm làm rõ giá trị, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, gắn với thông điệp “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Trong Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2023 sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc. Bên cạnh đó là hoạt động tôn vinh người đọc, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc; tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin...

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sao cho đa dạng, phong phú, kết hợp được truyền thống với hiện đại theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử; đưa ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, kết nối các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai từ Trung ương với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương; đa dạng hóa các hình thức phát hành để đưa sách đến với người sử dụng.

Tại Thủ đô Hà Nội, nhiều hoạt động đã và đang được triển khai để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Cụ thể, Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền trực quan thông qua treo pano, áp phích, băng rôn tại các thư viện, phòng đọc cơ sở trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào nội dung phong trào đọc sách, lan tỏa tri thức, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam cho nhân dân tại địa phương; khai thác triệt để nguồn lực về khoa học công nghệ, sử dụng các hình thức đa dạng trên không gian mạng để tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hóa đọc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng có Công văn 1248/BGDĐT-GDTX đề nghị giám đốc các sở GD&ĐT, thủ trưởng các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc; tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp với các hoạt động và các sự kiện khác của ngành Giáo dục.

Đồng thời khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin trực tuyến; kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông tin thông qua việc đọc; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học.

Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội giao Thư viện Hà Nội là đơn vị thực hiện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cấp thành phố. Các hoạt động hưởng ứng gồm: Trưng bày, triển lãm sách (từ 500 tên sách) về thành tựu đổi mới, thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống xã hội; Quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; giới thiệu những tác phẩm nổi bật trong thời kỳ mới.

Thư viện Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động liên quan như thi vẽ tranh theo sách cho thiếu nhi, viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích; phát động phong trào quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các phòng đọc cơ sở trên địa bàn thành phố; phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ III…

Bên cạnh đó, các sự kiện còn tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Văn hóa đọc được tạo dựng bởi nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên và nòng cốt chính là thái độ và cách ứng xử với việc đọc. Mỗi một ứng xử tích cực trong lĩnh vực này từ cơ quan quản lý, cộng đồng, gia đình đến cá nhân yêu sách sẽ góp phần tạo dựng một nền tảng đọc vững vàng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Đọc thêm