Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) mới đây đã tiếp nhận cấp cứu một bé gái sơ sinh trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn đã khô và bánh nhau được đựng trong thau muối và tro. Theo các bác sĩ cấp cứu, tính đến thời điểm nhập viện, bé gái đã sinh được 10 giờ đồng hồ. Ngay khi tiếp nhận, ê kíp bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng bé đã tử vong với chẩn đoán nhiễm trùng huyết sau sinh.
Theo lời khai của sản phụ, chị “sinh rớt” con tại nhà vào khoảng 1 giờ sáng cùng ngày khi thai nhi đã được 39 tuần tuổi. Sau khi sinh, bé khóc yếu và không bú, đến 10 giờ 40 phút thì bé tím tái, không thở nên người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Theo nhận định của các bác sĩ, khả năng sản phụ trên đã áp dụng phương pháp sinh theo “thuận tự nhiên” nhưng khai là “sinh rớt”, bởi với các ca sinh rớt, ngay sau sinh, mẹ và bé sẽ được đưa ngay vào bệnh viện để cắt dây rốn, hồi sức cho bé và mẹ. Còn với ca sinh này, từ lúc bé sinh rớt tại nhà đến lúc nhập viện là gần 10 tiếng và khi nhập viện, dây rốn và bánh nhau còn nguyên, lại được đựng trong thau muối và tro.
Không chỉ trường hợp trên, mới đây, bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận sản phụ N.T.T. (32 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) nhập viện vào tuần thứ 40 của thai kỳ.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết chị T. đã có dấu hiệu chuyển dạ, thai to, khung xương chậu nhỏ, cổ tử cung không mở và vết mổ cũ. Với tình trạng này, các bác sĩ đánh giá sản phụ không thể sinh tự nhiên qua ngả âm đạo nên chỉ định nên mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho thai nhi.
Tuy nhiên, sản phụ và gia đình không những không nghe theo lời khuyên của bác sĩ mà vẫn muốn “sinh thuận tự nhiên”, cương quyết từ chối mọi sự hỗ trợ của bác sĩ trong suốt cuộc sinh mà để sản phụ tự chịu đựng cơn đau, tự rặn…
Sau 2 giờ nhập viện, chị T. bị vỡ ối, đau bụng dữ dội, sốt cao, tim thai rất nhanh... Lúc này, bác sĩ trực đánh giá chuyển dạ khó khăn, chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt, nhưng chị T. và gia đình vẫn không đồng ý thực hiện bất cứ can thiệp nào.
Không những thế, gia đình còn đưa ra rất nhiều yêu cầu như: Không được thăm khám âm đạo, không để sản phụ sinh trên bàn mà phải sinh trong tư thế đứng; không được tiêm kháng sinh, truyền hạ sốt cho sản phụ; không được tiêm vắc-xin cho con khi sinh ra; phải để nửa tiếng mới được cắt dây rốn, không cho con bú sữa bình…
Qua theo dõi phản ứng của vợ chồng chị T., các bác sĩ được biết, vợ chồng chị T. hiện đang là thành viên của một cộng đồng chọn sinh con theo phương pháp thuận tự nhiên. Điều này khiến chị T. và gia đình quyết định sinh thuận tự nhiên và từ chối mọi can thiệp của bác sĩ, thậm chí còn ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi có trường hợp xấu xảy ra.
Chỉ đến khi dấu hiệu nguy hiểm lên thai đến mức báo động, lãnh đạo khoa kiên quyết giải thích rằng mổ lấy thai là để cứu sống thai nhi thì sản phụ và gia đình mới đồng ý để bác sĩ can thiệp. Ca mổ thành công nhưng do vỡ ối lâu nên mẹ con chị T. đều phải tiêm kháng sinh, riêng em bé phải được hỗ trợ hô hấp.
Sau khi sức khoẻ ổn định, chị T. và gia đình mới bộc bạch rằng, vào tháng thứ tư của thai kỳ, chị biết đến trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” trên mạng xã hội. Sau đó, chị quyết tâm sinh con theo phương pháp này, không để bác sĩ can thiệp vì muốn con được sinh ra được khỏe mạnh và an toàn nhất. Nếu biết trước tình trạng của mình lúc tự sinh con có nhiều nguy hiểm đến vậy, có lẽ chị đã nghe theo lời khuyên của bác sĩ ngay từ đầu.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Phương Loan, khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết việc chọn sinh tự nhiên đã được ứng dụng nhiều tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada…
Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này, sản phụ và gia đình phải luôn có sẵn một ê kip hỗ trợ từ bác sĩ chuyên môn cho đến chuyên viên tư vấn tâm lý. Bên cạnh đó, sản phụ còn phải được chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị tại nhà. Đến khi chuyển dạ, toàn bộ ê kip sẽ có mặt để theo dõi và đảm bảo quá trình sinh con của sản phụ diễn ra an toàn và theo trình tự.
Tại Việt Nam, phương pháp "sinh thuận tự nhiên" diễn ra khá rầm rộ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phương pháp này lại được truyền bá trên những trang mạng không chính thống, không nêu rõ những vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra cho thai nhi và sản phụ. Điều này đã gây ra nhiều lầm tưởng cho các bà mẹ về việc “tự sinh tự diệt”, không cần đến sự can thiệp y tế. Như trường hợp sản phụ vừa rồi, nếu không có các bác sĩ kiên quyết thuyết phục và can thiệp kịp thời thì có lẽ tình huống xấu nhất đã xảy ra đối với cả mẹ và bé.
"Việc lựa chọn phương pháp sinh phù hợp để hạn chế tối đa những nguy cơ gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé là điều mà cả sản phụ, gia đình và các bác sĩ, nhân viên y tế đều hướng đến. Hơn ai hết, bác sĩ và nhân viên y tế là người thấu hiểu được lợi ích và nhu cầu được sinh tự nhiên của sản phụ. Tuy nhiên, nếu như không có quá trình theo dõi và hỗ trợ đúng mức của y học hiện đại thì quá trình sinh nở đều là những giai đoạn nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Mục tiêu của y khoa là nhận biết trường hợp nào không thể sinh tự nhiên để can thiệp đúng phương pháp, đúng thời điểm nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé" TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết.
TS.BS Trần Nhật Thăng cũng khuyến cáo: Nên tôn trọng chỉ định y khoa, tôn trọng sự tự nhiên của chuyển dạ, chỉ can thiệp vào những lúc cần thiết thì đó là can thiệp an toàn. Khi có vấn đề nên can thiệp thì phải phát hiện, can thiệp sớm, tránh để lại những hậu quả cho cả mẹ và con. Bên cạnh đó, các sản phụ không nên quá cực đoan theo một trường phái nào, tránh việc nhận thức chưa đầy đủ khiến mẹ và bé rơi vào tình trạng nguy cấp như sản phụ vừa rồi.
Trước thông tin phản ánh trường hợp tử vong của trẻ sơ sinh sau khi mẹ tự sinh tại nhà, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tăng cường truyền thông để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh khi sinh con, đồng thời nhấn mạnh nội dung của việc tự sinh con tại nhà theo trào lưu “thuận tự nhiên” là thông tin phản khoa học và gây ra những hậu quả nguy hiểm, thậm chí là tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.