Cuộc phỏng vấn trực tuyến của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía bạn đọc gửi tới 4 vị khách mời với mong muốn hiểu rõ hơn về quyền bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp; diễn biến cụ thể về công tác chuẩn bị bầu cử trên phạm vi cả nước; công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, các phương án chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp...
Phát biểu đề dẫn, TS Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, để tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng thời phát huy thế mạnh và kinh nghiệm tổ chức rất hiệu quả nhiều cuộc giao lưu trực tuyến nhiều năm qua, ban đầu Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ngày hội của toàn dân".
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để thực hiện công tác phòng, chống dịch, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay hình thức giao lưu trực tuyến bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến.
|
TS Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Cuộc phỏng vấn trực tuyến với độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức vào thời điểm cận kề ngày bầu cử cũng nhằm hướng tới mục tiêu làm cho mọi cử tri cả nước nắm vững được những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử; các quy định về tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, giúp cử tri có cơ sở lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào QH khóa XV và HĐND các cấp.
Đặc biệt, qua cuộc phỏng vấn trực tuyến nêu bật được sự hưởng ứng, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tích cực chuẩn bị hướng tới ngày bầu cử 23/5; từ đó, giới thiệu với nhân dân trên thế giới biết được không khí dân chủ trong quá trình bầu cử; góp phần đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước...
Sẽ giám sát đủ 63 địa phương trước ngày 20/5
Tham dự buổi phỏng vấn trực tuyến, thông tin về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác bầu cử. Nội dung văn bản ban hành quy định về thành phần, số lượng, cơ cấu ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; về hướng dẫn nghiệp vụ; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh trật tự, y tế cho cuộc bầu cử.
|
Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường. |
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác bầu cử đã trải qua 3 vòng hiệp thương và đã xác định được danh sách chính thức những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã gửi danh sách người ứng cử do Trung ương giới thiệu về các địa phương để Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh niêm yết danh sách người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.
Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3/2021 đến trước ngày diễn ra bầu cử 23/5/2021. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung về tiến trình bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ QH và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Trong đầu tháng 5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ tiến hành giám sát đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hoàn thành trước ngày 20/5.
Thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bầu cử, đó là: kế hoạch giám sát cuộc bầu cử; xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh; phối hợp với các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc cụ thể trong công tác bầu cử; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên để xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri; xác nhận tư cách đại biểu sau khi trúng cử; hoạt động tổng kết công tác bầu cử QH trình tại Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV.
Tất cả các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đều được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, thảo luận theo đúng nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Tính từ khi bắt đầu triển khai công tác bầu cử đến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành 5 phiên họp toàn thể với nhiều nội dung quan trọng.
|
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. |
Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp thì công tác bảo đảm an ninh, trật tự có ý nghĩa quan trọng. Đáp lại sự quan tâm của bạn đọc về công tác này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an khẳng định: Công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đã được Bộ Công an chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước.
Cụ thể, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử, tháng 7/2020, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch tổng thể công an bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự cuộc bầu cử do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ làm Trưởng Tiểu ban để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử.
Lực lượng Công an cả nước đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình bên trong, bên ngoài liên quan an ninh, trật tự cuộc bầu cử; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây mất an ninh, trật tự, chống Đảng, Nhà nước; liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn người nước ngoài, người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ tốt nhất cuộc bầu cử, trọng tâm là ngày bầu cử.
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã cơ bản được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, cụ thể, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn ngày bầu cử theo Chỉ thị số 45 và chỉ đạo của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 12/5 mới đây.
Theo Tướng Xô, bên cạnh thuận lợi, cũng xuất hiện một số khó khăn, thách thức, trong đó tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều khu vực đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có trong triển khai lực lượng, biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử.
Làm tốt vận động bầu cử trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Trong thời điểm nhạy cảm phòng, chống Covid-19, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, việc vận động bầu cử hiện nay phải sử dụng tổng hợp các biện pháp. Một là, những người ứng cử phải tôn trọng thực hiện việc ứng cử của mình. Tuy nhiên, hiện nay trong hướng dẫn chỉ đạo chung của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là tạo điều kiện bằng mọi hình thức.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực. |
Thứ nhất là các danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu gồm cả 4 cấp được quy định 20 ngày trước ngày bầu cử. Tức là tiểu sử tóm tắt và lý lịch trích ngang ở tại khu vực bỏ phiếu hiện nay phải được niêm yết, đây là thông tin để người dân biết nắm được.
Thứ hai là danh sách trích ngang gửi trong hướng dẫn về bầu cử hiện nay được gửi đến từng hộ gia đình, để người dân nắm được thông tin có sự nghiên cứu và lựa chọn chính xác.
Còn việc tóm tắt lý lịch được hướng dẫn đưa vào các trang thông tin điện tử của Ủy ban Bầu cử, những thông tin này phải được thông báo rộng rãi cho người dân để họ tra cứu, tìm hiểu. Như vậy qua kênh thông tin điện tử người dân sẽ nắm được thông tin về bầu cử.
Thứ ba là phải sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Tức là trong vận động bầu cử có hướng dẫn rất rõ, cụ thể như đăng công bố về đơn vị bầu cử và danh sách người được giới thiệu vào đơn vị bầu cử trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương…
Hoặc danh sách trích ngang của người ứng cử ở đơn vị bầu cử và tóm tắt sơ yếu lý lịch của người ứng cử được hướng dẫn trong Luật quy định, đăng trên cổng thông tin của Ủy ban Bầu cử, UBND. Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh sẽ chỉ đạo đăng sơ yếu lý lịch lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong luật và trong hướng dẫn có quy định sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để cử tri ở đơn vị bỏ phiếu biết được về người ứng cử. Hình thức này rất quan trọng nhằm phát huy các kênh thông tin đại chúng.
Còn hình thức nữa là vận động bầu cử qua hội nghị trực tiếp với cử tri. Hiện nay, đối với những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội thì có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến.
Trước khi tổ chức hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần liên hệ, xác định rõ số lượng và thành phần đại biểu tham dự hội nghị theo đúng quy định tại Điều 66 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua hình thức điện thoại, email, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber. Phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương. Lưu ý việc sắp xếp các chỗ ngồi giữ khoảng cách an toàn theo hướng dẫn.
Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
Trường hợp người ứng cử bị mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất với Ủy ban Bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
Ông Thực chỉ rõ, vừa rồi tại các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng và một số địa phương sau khi có hướng dẫn, chủ trương này đã triển khai rất tốt. Nhưng có một số tỉnh còn lúng túng trong việc sử dụng các hình thức, phương thức bầu cử hiện nay.
Bởi các địa phương cũng có những khó khăn, hạn chế như việc nếu tổ chức hội nghị cử tri đông thì không đúng theo tinh thần chống dịch, còn không tổ chức thì không có thông tin đầy đủ đến cử tri, người dân sẽ không biết đến người ứng cử để lựa chọn chính xác.
|
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn. |
Là 1 trong 3 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không bầu HĐND cấp phường, Hà Nội có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong công tác chuẩn bị bầu cử cũng được nhiều bạn đọc đề cập.
Giải đáp băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn, Ủy viên Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội phân tích: Do không tổ chức HĐND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội sẽ không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường.
Như vậy, 175 phường của TP Hà Nội tại kỳ bầu cử này sẽ không thành lập Ủy ban Bầu cử ở phường, Ban Bầu cử đại biểu HĐND phường như quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND mà chỉ thành lập các Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn để thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND TP Hà Nội, HĐND các quận và thị xã Sơn Tây nhiệm kỳ 2021-2026. Tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây đã thành lập 1.591 tổ bầu cử với số cử tri là hơn 2,3 triệu người.
Do số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn các phường đã giảm bớt nên TP Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ủy ban Bầu cử các quận và thị xã Sơn Tây cần tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử trên địa bàn; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc bầu cử; chú trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.