Chiều 13/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức buổi gặp mặt cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài kỷ niệm 50 năm ngày trở về (1973 - 2023).
Tại buổi gặp mặt, gần 400 cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài cùng nhau hồi tưởng lại ký ức một thời đấu tranh gian khổ, với ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trại giam Phú Tài (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hoạt động từ tháng 6/1967 - 5/1972, là 1 trong 6 trại giam trung ương do chính quyền Mỹ - ngụy xây dựng. Đây là nơi giam cầm nữ tù binh ở khắp các chiến trường từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở vào Cà Mau. Điểm đặc biệt của trại giam là các nữ tù tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 17 - 22 tuổi, đa số đều chưa lập gia đình.
|
Gần 400 cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài đã cùng nhau hồi tưởng lại ký ức một thời đấu tranh gian khổ. |
Ở Trạm giam Phú Tài, địch bố trí thành 4 trại, gồm: trại 1 (gọi là trại chiêu hồi); trại 2 và trại 3 giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, không khai báo, không đầu hàng, giữ vững lập trường cách mạng; trại 4 là khu biệt giam, địch dựng lên 6 chuồng cọp. Chuồng cọp làm bằng kẽm gai, ngồi và nằm đều không được, cựa quậy là kẽm gai móc rách thịt da. Số tù binh nữ bị nhốt ở chuồng cọp, chúng cho là ngoan cố, cứng đầu, dám chống lại chúng.
Toàn Trại giam Phú Tài có tổng số 18 phòng. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120m2, chúng giam 70 - 80 người, có khi lên đến hơn 100 người. Chế độ nhà tù rất khắc nghiệt, tù nhân ăn uống thiếu thốn, không đủ nước sinh hoạt, không được cấp phát quần áo, việc sinh hoạt của các chị gặp rất nhiều khó khăn.
|
Một cựu nữ tù binh xúc động khi nhắc lại một thời đấu tranh bất khuất tại Trại giam Phú Tài. |
Với âm mưu hủy hoại thân xác của các chị nhằm tiêu diệt tinh thần, làm tê liệt ý chí đấu tranh của họ, bọn địch dùng đủ hình thức tra tấn vô cùng độc địa. Có những chị chúng trói chặt tay chân, đổ nước ớt, nước xà phòng vào mũi, miệng, rồi đạp chân lên bụng, lên ngực cho nước và máu trào ra đến khi ngất xỉu. Khi các chị tỉnh dậy, chúng tiếp tục tra tấn. Địch còn xách hai chân các chị lên cao, rồi nhúng đầu vào thùng nước thuốc DDT, làm nhiều chị tuột da mặt, rụng tóc, mờ mắt, đau đầu. Chúng dùng xích sắt, roi điện đánh vào người, miệng, răng làm méo miệng, gãy răng.
Tàn ác hơn, chúng đóng đinh vào đầu cây rồi đánh phập vào đầu, vào khắp thân thể các chị, làm nát cả thân người và nhiễm trùng. Chúng còn dùng lửa châm đốt hai bàn tay, hai bàn chân và khắp người hoặc nhét đất cát vào mũi, miệng, tai, lấy que thọc vào làm nhiều chị điếc tai, đau đầu, co giật…
|
Tinh thần đấu tranh bất khuất của các nữ tù binh mãi mãi là bản hùng ca trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. |
Sau cuộc tiến công và nổi dậy Xuân - Hè 1972, địch chuyển trại giam này vào Cần Thơ. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 15/2/1973, 904 nữ tù binh Trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - Trưởng Ban liên lạc nữ tù binh Trại giam Phú Tài cho biết, bất chấp sự tra tấn của kẻ thù, các nữ tù binh đã đoàn kết bảo vệ quyền sống, biến trại giam thành trường học, thành lập các chi bộ, đoàn thanh niên, đội quyết tử để đấu tranh.
Ngày 19/8/1968, Đảng ủy Trại giam Phú Tài được thành lập, lấy biệt hiệu “BK” có nghĩa là bất khuất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Trại giam Phú Tài, các nữ tù binh đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi những quyền lợi cơ bản nhất của tù binh. Từ năm 1968 - 1972 đã có trên 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ của các nữ tù binh tại đây, buộc địch phải chấp nhận thực hiện các yêu cầu của chị em.
|
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng quà cho các cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài. |
“Thắng lợi trong các cuộc đấu tranh của các nữ tù binh Trại giam Phú Tài là nhờ sự đoàn kết, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là minh chứng để làm sáng tỏ thêm 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam là anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, bà Lý chia sẻ.
Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho biết: “Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã độc lập, thống nhất hơn 48 năm, nhưng những chiến công bất khuất của các nữ tù binh Trại giam Phú Tài vẫn mãi là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ noi theo. Tinh thần đấu tranh bất khuất của nữ tù binh mãi mãi là bản hùng ca trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trại giam Phú Tài mãi là địa chỉ đỏ, là biểu tượng sâu sắc cho ý chí và tinh thần quật khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay”.
Năm 2002, Trại giam Phú Tài đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2020, tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.