Sắp Tết rồi, dọn rác thôi!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Càng gần ngày Tết Nguyên đán, lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội ngày càng tăng nhanh. Để bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp, nhiều hội nhóm do học sinh, sinh viên lập ra, đang tiếp tục “công cuộc” thu gom rác thải.
“Đường Táo Quân” là một hoạt động hỗ trợ người dân bảo vệ môi trường rất thiết thực. (Nguồn ảnh: Đường Táo Quân)
“Đường Táo Quân” là một hoạt động hỗ trợ người dân bảo vệ môi trường rất thiết thực. (Nguồn ảnh: Đường Táo Quân)

Tích cực làm sạch môi trường

Nhóm Hà Nội Xanh là dự án được hai chàng trai 9x tên Nguyễn Tiến Huy và Lê Minh Hiếu thành lập từ tháng 12 năm 2022. Ban đầu, nhóm chỉ có hai thành viên, nhưng nhờ video, bài đăng trên mạng xã hội, nhóm được nhiều người biết đến. Hiện tại, số lượng thành viên của nhóm tăng lên gần 200 thành viên. Đa số là học sinh, sinh viên đang đi học, vừa ra trường mới đi làm tranh thủ thời gian rảnh để hỗ trợ nhóm.

Nhận biết được thành phố Hà Nội hiện nay đang có mức độ ô nhiễm tương đối cao, đều đặn 4 lần 1 tuần, nhóm Hà Nội Xanh lại bắt tay vào việc ngâm mình dưới những khu vực sông, kênh rạch được coi là “điểm nóng” ô nhiễm của thành phố để dọn rác. Hiện nhóm đã tổ chức trên 20 buổi làm vệ sinh các con sông trong khu vực nội thành như Tô Lịch, La Khê, Linh Đàm…

Nhóm Hà Nội Xanh được mọi người nhớ đến với hình ảnh những thanh, thiếu niên trẻ trung, năng động. Họ không ngại khó khăn, vất vả, đội nắng mưa để làm sạch kênh rạch, sông hồ và môi trường xung quanh. Mặc dù đã cận kề những ngày Tết, nhưng nhóm Hà Nội Xanh vẫn tiếp thực hiện những buổi dọn rác. Mới gần đây, vào giữa tháng 1 năm 2024, nhóm Hà Nội Xanh đã tổ chức buổi ra quân tổng kết tại Linh Đàm (Hà Nội), tại đây nhóm đã thu gom rác thải, làm sạch kênh rạch và môi trường xung quanh. Được biết, trung bình, mỗi buổi thu nhặt rác, làm sạch dòng sông của nhóm Hà Nội xanh mất trung bình 4 - 5 tiếng, bắt đầu buổi sáng và kết thúc vào buổi chiều. Với tiêu chí “Đi đến đâu, sạch đến đó”, nhóm thực hiện dọn vệ sinh sạch sẽ mọi nơi mình đến, không bỏ sót dù chỉ một chiếc túi ni lông.

Mỗi buổi, nhóm Hà Nội Xanh sẽ thu được khoảng trên dưới 100 túi rác, mỗi túi khoảng 20kg, tùy thuộc vào số lượng người đăng ký tham gia. Ngoài những thành viên cố định, nhóm thường xuyên đăng tuyển tình nguyện viên và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người trẻ. Thậm chí, có người ở tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hà Nam cũng tham gia. Số lượng học sinh, sinh viên, người trẻ đã đi làm đăng ký dọn rác vào cuối tuần rất nhiều.

Ngoài Hà Nội Xanh, có một nhóm người trẻ đã dành “cả thanh xuân” để thu gom rác, quét dọn đường phố bảo vệ môi trường đó là nhóm Tagom. Tagom là một dự án được thành lập vào tháng 6 năm 2022, với mục tiêu thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn thông qua thực hành liên tục, qua đó hướng tới xây dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm và lối sống bền vững hơn cho cộng đồng. Cái tên Tagom có nghĩa là “Ta” cùng thu “gom” rác thải, bảo vệ môi trường sạch đẹp. Hoạt động của Tagom tập trung vào rác và phân loại rác tại nguồn. Vào năm 2023, Tagom đã được nhiều người biết đến, nhờ hoạt động thu gom rác xuyên Tết Dương lịch và “nhận” rác của tất cả mọi người cho đến ngày 30 Tết Nguyên Đán. Đây là một hoạt động đẹp, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải vào ngày cận Tết.

Đến ngày đầu năm 2024, Tagom gây ấn tượng sự kiện “Đổi rác lấy quà” đón năm mới, khép lại với những khoảnh khắc rất tốt đẹp và ấm áp cùng những người yêu môi trường. Trong sự kiện lần này, Tagom thu được 300kg rác, trao đi hơn 100 phần quà và có đến 120 lượt khách tham dự. Các nhóm rác đã được Tagom thu gom và xử lý theo dạng dễ tái chế, tái sử dụng và khó tái chế. Với nhóm rác dễ tái chế như chai nhựa, vỏ hộp, giấy báo... họ gửi trực tiếp đến các nhà máy tái chế để tạo thành các sản phẩm tái chế. Với nhóm rác tái sử dụng, họ gửi tặng các tổ chức thiện nguyện để trao tặng cho những khu vực khó khăn, trong khi với nhóm rác khó tái chế, họ gửi đến các nhà máy xử lý để rác được xử lý an toàn hoặc liên kết với đội, nhóm sáng tạo để tạo thành các sản phẩm có giá trị như viên đốt RPF - nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá, rẻ và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, đầu năm 2024, Tagom còn tổ chức địa điểm thu gom, tái chế những quyển lịch cũ. Thực tế, những quyển lịch cũ tuy nhỏ bé, nhưng lại có khả năng tái chế thành các món đồ thủ công xinh xắn, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiện dụng, tiết kiệm. Ví dụ như ở trong một cơ quan làm việc, sau khi kết thúc một năm, dọn dẹp bàn làm việc để đón Tết, hoặc thay một cuốn lịch mới, thì có thể là 1, 2, 3 thùng, rất nhiều cuốn lịch cũ bị bỏ đi. Trong khi đấy, chất liệu làm lịch đều rất tốt, dày dặn, đẹp. Nếu bỏ đi hoặc chỉ bán phế liệu bình thường thì rác thải ra môi trường rất lớn. Tagom nhận những cuốn lịch cũ, sau đó tái chế thành nhiều sản phẩm đa dạng, từ sổ, phong bao lì xì cho tới bookmark,...

Cận Tết Nguyên Đán, nhiều dự án, hội nhóm bảo vệ môi trường của người tổ chức hoạt động thu gom rác, hỗ trợ người dân. (Nguồn ảnh: Facebook Hà Nội Xanh)

Cận Tết Nguyên Đán, nhiều dự án, hội nhóm bảo vệ môi trường của người tổ chức hoạt động thu gom rác, hỗ trợ người dân. (Nguồn ảnh: Facebook Hà Nội Xanh)

Thông thoáng “Đường Táo Quân”

Tết Nguyên Đán 2024 đang đến gần, hình ảnh thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia mặc chiếc áo đỏ, hỗ trợ người dân thả cá chép vàng đúng quy định luôn được nhiều người nhớ đến.

Đây là một trong những dự án bảo vệ môi trường được tổ chức thường niên vào dịp cận Tết Nguyên đán mang tên “Đường Táo Quân” của nhóm tình nguyện Cá Chép. Bắt nguồn tục lệ thả cá vàng tiễn ông Công, ông Táo về trời, cứ đến ngày 23 tháng Chạp mỗi năm, sông hồ ở Hà Nội đều có hàng loạt túi ni lông, bình tro, hương, nhang người dân vứt xuống. Đây đều là những loại rác thải khó tiêu hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, việc đổ cá từ trên những cây cầu cao, khiến cá vàng dễ bị yếu hoặc chết khi rơi xuống nước. Điều này không chỉ làm lãng phí tiền bạc của người dân mà còn gây ô nhiễm nguồn nước.

Vào năm 2014, với khẩu hiệu “Thả cá không thả túi nilon”, “Đường Táo Quân” đã để lại dấu ấn trong lòng mỗi người dân yêu môi trường ở Thủ đô Hà Nội. “Đường Táo Quân” mang trong mình sứ mệnh nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa mang tới cho mọi người một cái nhìn tích cực hơn về việc duy trì nét đẹp của Tết ông Công, ông Táo, vừa góp phần giữ gìn truyền thống dân tộc, đồng thời hạn chế được lượng túi bóng nhựa và đồ thờ cúng được đưa thẳng ra sông, hồ hàng năm. Gần 10 năm trở lại đây, những chiếc áo đỏ xuất hiện khắp cầu Long Biên trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm vẫn đã và đang tiếp tục cuộc hành trình.

Mỗi năm, hàng trăm tình nguyện viên đã tất bật từ 5h sáng để đón nhận cá và tro của người dân, hỗ trợ người dân rải tro và thả cá đưa ông Công, ông Táo về trời. Khi tiếp nhận cá và tro từ người dân, các “ông Công, ông Táo” cùng các tình nguyện viên sẽ đưa cá vào xô đã được nối dây ròng rọc và thả xuống sông để cá tiếp nước an toàn. Phần tro được các tình nguyện viên gom lại và mang trực tiếp xuống sông rải. Mỗi năm, các tình nguyện viên giúp đỡ hàng trăm, hàng nghìn người dân thả cá “thân thiện” với môi trường. Hàng nghìn chiếc túi ni lông được vứt đúng quy định trong ngày 23 tháng Chạp, đã hạn chế việc ô nhiễm môi trường.

Không chỉ hỗ trợ người dân thả cá đúng nơi quy định, những tình nguyện viên tham gia “Đường Táo Quân” còn dọn dẹp môi trường xung quanh, thu gom rác thải, chai lọ nhựa. Điều này đã tạo nên hình ảnh đẹp về thanh, thiếu niên Việt Nam.

Tính đến năm 2023, “Đường Táo Quân” đã hoàn thành mùa thứ 10 những buổi thu gom túi ni lông và rác thải đúng nơi quy định. Tết Nguyên đán năm 2024, là mùa thứ 11, nhóm tình nguyện Cá Chép thực hoạt động này. Đây là hành động vừa giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc lại vừa nâng cao ý thức của người dân với vấn đề bảo vệ môi trường. Truyền cảm hứng và định hướng phát triển cho những bạn trẻ có ý thức và ý tưởng giữ gìn và bảo vệ môi trường nhưng chưa xác định được mục tiêu cụ thể hoặc chưa đủ can đảm bắt tay vào thực hiện.

Theo thống kê của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) số lượng thu gom rác tại một số khu vực trung tâm ngày lễ tăng 20% đến 30% so với ngày thường. Dịp Tết, số lượng tăng lên nhiều lần, dễ xảy ra tình trạng ùn ứ, tồn đọng. Do đó, việc bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp vui Tết, đón Xuân, người dân cần phải có ý thức hạn chế xả rác bừa bãi ra môi trường.

Đọc thêm