Cục Kiểm ngư được lập, với 4 cơ quan vùng đặt tại 4 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Ông Lưu Văn Huy - Chánh Thanh tra Tổng cục Thủy sản cho biết: Kiểm ngư là lực lượng dân sự, được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị và sẽ hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam để hỗ trợ ngư dân bám biển, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực thủy sản.
|
Ông Lưu Văn Huy |
Sau hơn một năm chuẩn bị, Đề án Xây dựng lực lượng Kiểm ngư đã hoàn thành. Dự kiến, khoảng từ 5-7/5/2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát sẽ thừa ủy quyền Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án này. Đây là vấn đề quan trọng bởi trong bối cảnh ngư dân Việt Nam liên tiếp bị bắt giữ khi đang khai thác, đánh bắt trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, thì Kiểm ngư ra đời, có mặt trên biển sẽ giúp ngư dân yên tân bám biển, sản xuất. Về cơ cấu, tổ chức của lực lượng này, ông Huy biết:
Lúc đầu có 2 phương án. Thứ nhất, sẽ thành lập cơ quan này cả ở Trung ương và địa phương; thứ hai là chỉ có ở Trung ương bởi việc đầu tư cho lực lượng này khá tốn kém. Phương án được lựa chọn hiện nay là trước mặt sẽ thành lập ở Trung ương một cơ quan gọi là Cục Kiểm ngư để quản lý những vùng biển xa. Dưới Cục này sẽ có 4 cơ quan vùng đặt tại các địa bàn trọng điểm về khai thác, đánh bắt thủy sản: Hải Phòng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang.
Quá trình khảo sát tại 28/63 tỉnh, thành cho thấy, các địa phương cũng nhất trí cao về việc, trong tương lai cần lập Chi cục Kiểm ngư thuộc các Sở NN&PTNT hoặc Phòng Kiểm ngư thuộc các Chi cục Thủy sản bởi nguồn lợi thủy sản không chỉ có ở biển mà còn có ở các sông hồ thuộc các tỉnh như Hòa Bình, Đắc Lắc....
- Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm ngư là gì, thưa ông?
- Kiểm ngư là lực lượng dân sự hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt nam để kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá như: vùng khai thác, tuyến khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác; kiểm soát việc dùng chất nổ, xung điện khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi… để kịp thời xử lý, bảo vệ sự phát triển bền vững của tài nguyên biển.
Ngoài ra, Kiểm ngư đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngư dân của ta tổ chức sản xuất trên biển, tạo điểm tựa về mặt tinh thần để họ yên tâm và không lẻ loi khi ra khơi dù một số địa phương, ngư dân đã có các tổ, hội sản xuất trên biển để bảo vệ nhau.
- Làm nhiệm vụ trên biển hiện có Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển. Công tác tối hợp giữa Kiểm ngư với 3 lực lượng trên dự kiến sẽ như thế nào?
- Như đã nêu, Kiểm ngư chỉ là lực lượng dân sự chuyên trách. Ba lực lượng nói trên do Bộ Quốc phòng quản lý. Chắc chắn sau khi Kiểm ngư ra đời, giữa 4 lực lượng sẽ có một Quy chế phối hợp công tác cụ thể. Tối lấy ví dụ khi phát hiện có hành vi vi phạm trên biển, các lực lượng trên sẽ bắt giữ, lai dắt sau đó giao cho Kiểm ngư ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
|
Kiểm ngư ra đời sẽ là điểm tựa cho ngư dân trên biển |
- Bao giờ, Việt Nam chính thức có lực lượng Kiểm ngư, thưa ông?
- Sau khi Bộ NN&PTNT trình và bảo vệ Đề án này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công việc tiếp theo là phải xây dựng một Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng này. Dự kiến, cuối năm 2012 đầu 2013, lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam sẽ chính thức ra đời và sẽ góp một phần quan trọng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
- Cảm ơn ông!
Ngày 3/3, dù hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng 2 tàu QNg-66074TS, QNg-66101TS và 21 ngư dân vẫn bị phía Trung Quốc bắt giữ và đòi nộp tiền chuộc (70.000 nhân dân tệ/tàu). Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay ,vô điều kiện ngư dân và tàu cá; chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam. Mãi tới chiều 20/4, phía Trung Quốc mới thả 21 ngư dân cùng tàu cá QNg-66074TS và hiện vẫn còn giữ tàu cá QNg-66101TS. |
Tuấn Anh (thực hiện)