Sau Hiến pháp, cần thông qua các luật về tổ chức bộ máy

Đây là đề nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. Phiên họp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì.

Đây là đề nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. Phiên họp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì.

ĐBQH thảo luận tại Hội trường
ĐBQH thảo luận tại Hội trường

Không phải thông qua là xong nhiệm vụ

Phần lớn các ĐBQH đánh giá công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng các dự án luật ngày càng được nâng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiên quyết không trình ra Quốc hội những dự án luật không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, "căn bệnh kinh niên" được nhiều ĐBQH chỉ ra vẫn là việc đưa vào rút ra khỏi chương trình vẫn còn phổ biến, tình trạng luật chờ nghị định vẫn còn nhiều khiến cho văn bản pháp luật không thể đi vào cuộc sống; tiến độ một số dự án còn chậm, chất lượng chuẩn bị một số dự án luật còn nhiều hạn chế…

Khắc phục tình trạng luật chờ nghị định, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị khi thông qua luật, những vấn đề Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ hướng dẫn thi hành thì Quốc hội vẫn phải có trách nhiệm về vấn đề ủy quyền đó.

“Không được coi việc Quốc hội biểu quyết thông qua luật là xong nhiệm vụ xây dựng của một luật. Quốc hội chỉ hoàn thành công việc xây dựng bộ luật nào đó khi luật đó thực sự đi vào cuộc sống”, ĐB Hùng nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thông báo công khai tình hình triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Việc này sẽ giúp cho các đại biểu Quốc hội hiểu thêm mức độ hoàn thành của Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng đề xuất táo bạo “ngay trong các dự án luật chúng ta sẽ ghi vào điều khoản thi hành một nội dung quy định rõ thời gian sau khi Quốc hội thông qua luật này thì bao nhiêu lâu Chính phủ và các cơ quan, các bộ ngành phải chuẩn bị xong và ban hành xong các văn bản hướng dẫn. Chúng ta luật hóa việc đấy để sau này chúng ta đánh giá, kiểm điểm xem trách nhiệm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong vấn đề như thế nào?. Như thế luật đó mới có hiệu lực thực tế và đi vào cuộc sống”.

“Cần tăng cường bộ máy của Ủy ban Pháp luật theo hướng thành lập bộ phận chuyên trách về công tác bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hoặc nghiên cứu thành lập lại mô hình Ban công tác lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội như tại Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XI” là ý kiến của ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhằm nâng cao chất lượng các dự án luật.

Ưu tiên các luật về tổ chức bộ máy

Đây là đề xuất của nhiều ĐBQH, bởi dự kiến sau khi Hiến pháp được thông qua, thì việc đưa vào chương trình các dự án luật về tổ chức bộ máy là hết sức cần thiết. Trong khi  Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi xong trong năm 2014, thì Luật Tổ chức HĐND và UBND sửa đổi đã trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2015, do đó ĐB Danh Út (Kiên Giang) đề nghị đưa hai dự án luật nói trên vào chương trình năm 2014 Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 năm 2014 để Kỳ họp thứ 9 tháng 6 năm 2015 Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2016. Có như vậy chính quyền địa phương mới có thời gian khoảng 5 tháng chuẩn bị cho công tác bầu cử, nhất là công tác xây dựng tổ chức bộ máy và nhân sự.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng đặt câu hỏi “tại sao các bộ máy khác đưa vào được mà tổ chức HĐND, UBND lại không đưa vào được. Đồng ý là có khó khăn về mặt thời gian nhưng chúng ta phải quyết tâm, cần thiết thì rút các luật khác”. ĐB Châu và ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đều có chung đề nghị đưa Bộ luật Tố tụng hình sự vào chương trình 2014 vì hiện nay đang chuẩn bị thành lập các cơ quan tòa án sơ thẩm khu vực, Kiểm sát khu vực.

Với Luật Biểu tình, một quyền đã được hiến định, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thẳng thắn, “chúng ta nợ nhân dân 68 năm rồi, từ năm 1946. Bây giờ đủ các điều kiện để ban hành Luật biểu tình, phục vụ, đáp ứng các yêu cầu hiện tại mà cuộc sống đang đặt ra”.

Ngoài đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2014 Luật chính quyền địa phương, Luật biểu tình, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và nhiều ĐB đề nghị bổ sung Luật trưng cầu dân ý, Luật hội đồng bảo hiến. “Nếu dự thảo Hiến pháp thông qua những chế định này, đây là những luật có ý nghĩa, vai trò, đặc biệt quan trọng để đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả, phát huy quyền dân chủ của nhân dân”, ĐB Khánh nói.

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội dự kiến sẽ được thông qua vào ngày cuối cùng (21/6) của kỳ họp thứ 5 này.

Hôm qua (5/6), một trong những nội dung đáng chú ý của Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được trình ra Quốc hội là về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: Một số ý kiến cho rằng, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định gây lãng phí, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn...

Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác.

Do vậy, trong Luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm. 

Thu Hằng

Đọc thêm