Sau ly hôn, mẹ có quyền đổi họ cho con?

(PLO) -“Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” - câu nói này có lẽ đúng đối với người mẹ có mong muốn thay đổi họ cho con của mình từ họ của cha sang họ của mẹ sau khi đường ai nấy đi bằng một bản án của tòa. Tuy nhiên, sau ly hôn, người mẹ có quyền đổi họ cho con hay không lại là quy định không phải người phụ nữ nào cũng biết.
Hình minh họa

Thương con, ghét họ…

Thương Hoàng Trung là người xa xứ, không bà con thân thuộc, tính tình hiền lành lại chịu khó làm lụng, chị Thủy ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đem lòng yêu anh từ khi nào không biết. Cứ thế, tình yêu lớn dần theo thời gian và cái kết thúc có hậu khi gia đình Thủy chấp nhận, Trung làm con rể trong nhà bằng một lễ tuyên hôn đầy ấm áp. 

Ba năm sau, căn nhà nhỏ ngày nào càng hạnh phúc hơn khi hai con, một gái, một trai lần lượt chào đời. Anh chị đặt tên khai sinh cho con là Hoàng Hoa, Hoàng Biển. Lẽ dĩ nhiên, con chị mang họ của cha như thường lệ đã có từ bao đời nay đối với đại đa số dân tộc Kinh.

Thuở hàn vi vợ chồng hạnh phúc là vậy, thì ngược lại từ ngày cuộc sống gia đình có bát ăn bát để, anh lại theo chúng bạn sinh tật cờ bạc, rượu chè bê tha, về nhà gây sự với vợ con. Ban đầu chỉ là những lời mắng nhiếc, chửi bới qua lại, sau là những trận đòn vô cớ mà chị phải cắn răng chịu đựng. Tệ hại hơn, nhiều lần trong cơn say anh đã ghen đến nỗi mù quáng, không thừa nhận hai đứa con là con của mình trước sự chứng kiến của những người đến can ngăn.

Chịu hết nổi người chồng bội bạc, vũ phu mất nhân tính, chị đơn phương xin ly hôn với nguyện vọng được nuôi hai con, không yêu cầu anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con để thỏa mãn lòng tự trọng đã bị tổn thương. 

Sau nhiều lần hòa giải không thành, Tòa chấp thuận cho chị được ly hôn và nuôi hai con nhỏ. Riêng đề nghị được đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ của chị không được Tòa xem xét, vì ngoài phạm vi, thẩm quyền pháp luật quy định. 

Nung nấu ý định “trả thù” anh, chị âm thầm tìm cách gõ cửa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin đổi họ cho con từ họ Hoàng của cha sang họ Lê của mẹ, không cần hỏi ý kiến anh, nhưng cán bộ chuyên môn còn bối rối trước sự việc chưa từng có tiền lệ này?

Thay đổi họ phải xuất phát từ quyền lợi của con

Bộ luật Dân sự 2005 Điều 27 cho phép “thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại”; Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) kế thừa cũng cho “thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại”. 

Điều 7 Nghị Định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định “việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân; Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. 

Chính vì thế, theo Luật gia Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang, trường hợp anh Trung chị Thủy không đăng ký kết hôn nhưng đã được pháp luật thừa nhận về quan hệ cha con thông qua việc đăng ký khai sinh nên anh Trung không có cơ sở nào phủ nhận con của mình được.

Khoản 1 Điều 81 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Sau ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”. 

Khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015 quy định người đại diện theo pháp luật bao gồm: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên, tương tự tại Khoản 1 Điều 73 luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nêu “Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên…”.

“Như vậy, pháp luật cho phép cha hoặc mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên nên chị có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ. Tuy quan hệ hôn nhân giữa anh chị đã chấm dứt, nhưng quyền và nghĩa vụ của cha đối với con vẫn không thay đổi nên việc thay đổi họ cho con chị cần cân nhắc kỹ lưỡng, phải xuất phát từ quyền lợi hợp pháp của con, đừng vì thù tức cá nhân mà làm ảnh hưởng đến đời sống, tình cảm của con và những người liên quan” – Luật gia Bùi Đức Độ nêu quan điểm.

Quyền thay đổi họ

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây: 

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; 

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi; 

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; 

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con; 

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; 

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

 g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ; 

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định. 

Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015

Đọc thêm