Về tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2021 của khối Chính phủ quản lý, theo báo cáo, tính đến 2021 đã giảm được 10,01% biên chế công chức và 11,79% biên chế viên chức sự nghiệp so với 2015.
Tổng biên chế công chức từ TW đến cấp huyện (không bao gồm cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Hội đặc thù) được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 là 247.344 biên chế (trong đó bộ, ngành TW là 106.836 biên chế và địa phương là 140.508 biên chế), giảm 27.504 biên chế so với 2015.
Tổng biên chế viên chức sự nghiệp hưởng lương từ NSNN (Bộ Nội vụ thẩm định) năm 2021 là 1.787.031 người, trong đó Bộ, ngành TW là 116.906 người và địa phương là 1.670.125 người; giảm 238.846 người so với 2015, tương ứng giảm 11,79%; trong đó Bộ ngành TW giảm 42.701 người, tương ứng giảm 26,75%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng giảm 10,51%.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, đến 2021 đã thực hiện vượt mục tiêu tinh giản biên chế so với 2015. Đội ngũ CBCCVC sau khi sắp xếp, tinh giản biên chế đã yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan, tổ chức, giảm chi thường xuyên từ NSNN.
Theo Bộ Nội vụ, việc quản lý và tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Vẫn còn tình trạng giảm biên chế theo mức bình quân tỷ lệ % như nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương và số giảm biên chế chủ yếu được tính vào số biên chế chưa sử dụng so với số được giao. Việc tinh giản chưa thực sự gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.
Việc quản lý, sử dụng biên chế còn những bất cập như sử dụng biên chế chưa đúng quy định pháp luật, một số nơi sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính.
Định mức biên chế sự nghiệp cũng bị đánh giá là lạc hậu, ban hành từ lâu (trước Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) nhưng chưa được sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng biên chế sự nghiệp lớn (trên 85% biên chế sự nghiệp Chính phủ quản lý).
Theo định mức hiện nay, nhu cầu bổ sung biên chế của các địa phương theo số trường, lớp, học sinh, giường bệnh là rất lớn. Trong khi đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ NSNN còn chậm và chưa đạt yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Nhiều nơi chưa sử dụng hết số biên chế được giao nhưng vẫn đề nghị bổ sung, nhất là biên chế viên chức giáo dục.
Bộ Nội vụ cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân do thay đổi quy định pháp luật về CCVC. Trước khi Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010 có hiệu lực thì chưa phân biệt rõ công chức và viên chức.
Ngoài ra, do yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc tăng, nhất là sự nghiệp giáo dục – đào tạo và y tế và một số luật chuyên ngành có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, dẫn đến phải chuyển đổi loại hình tổ chức (từ sự nghiệp sang hành chính) nhưng chưa được chuyển đổi từ biên chế viên chức sang biên chế công chức.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo thiếu quyết tâm, ngại va chạm, chưa chủ động rà soát sắp xếp, chuyển đổi cơ chế quản lý sang tự chủ về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập... dẫn đến rất khó khăn trong việc giảm biên chế hưởng lương từ NSNN.