Sau sáp nhập, thị xã Cửa Lò chỉ còn là 'dĩ vãng'?

(PLVN) - HĐND tỉnh Nghệ An mới thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025, thống nhất sáp nhập toàn bộ TX Cửa Lò vào thành phố Vinh.
Sau sáp nhập thành phố Vinh sẽ có 36 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 7/6, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đã quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025.

HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh. Cụ thể, sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò (7 phường) có diện tích tự nhiên 29,12 km2, quy mô dân số 77.813 người và điều chỉnh một phần huyện Nghi Lộc có diện tích tự nhiên 32,14 km2, quy mô dân số 45.130 người (bao gồm 4 xã: Nghi Xuân; Phúc Thọ; Nghi Thái; Nghi Phong) vào thành phố Vinh. Thành lập các phường thuộc thành phố Vinh: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú và Nghi Đức.

Ngoài ra, tỉnh tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Vinh: Sáp nhập toàn bộ phường Hồng Sơn và phường Vinh Tân, lấy tên là phường Vinh Tân; Sáp nhập toàn bộ phường Đội Cung, phường Lê Mao, phường Quang Trung, lấy tên là phường Quang Trung.

Sau khi sáp nhập, thành phố Vinh sẽ có tích 166,25 km2, quy mô dân số 575.718 người, có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 phường và 9 xã.

Trước đó, ngày 4/6/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định về việc công nhận thành phố Vinh mở rộng, tỉnh Nghệ An đạt tiêu chí đô thị loại I.

Việc mở rộng thành phố Vinh nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của thành phố, là cơ hội để thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới; xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh và của vùng.

Đây cũng là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng Bắc Trung Bộ.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Nghệ An thực hiện sắp xếp 92 đơn vị hành chính (65 đơn vị không đủ tiêu chuẩn và 27 đơn vị đủ tiêu chuẩn liền kề) thành 44 đơn vị (trong đó 43 đơn vị thành lập mới và 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số), sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính.

Đọc thêm