Sâu thẳm cao nguyên đá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xe lướt qua những cung đường ngoằn ngoèo, cả đoàn ồ lên. Trước mắt họ là những vách núi đá dựng đứng, mênh mông là đá. Đá xếp đủ thứ hình thù kì dị, như một câu chuyện cổ đang mở ra trước mắt.
Tác phẩm Vẻ đẹp viễn biên của tác giả Phạm Hoài Nam.

Tác phẩm Vẻ đẹp viễn biên của tác giả Phạm Hoài Nam.

Ngoại trừ người lái xe, cả đoàn đều dán mắt vào cửa kính để nhìn ra ngoài, thưởng ngoạn vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên ban tặng. “Đúng là cao nguyên đá, trăm nghe không bằng một thấy”, một người trong đoàn nói.

Đúng vậy, cho dẫu có nhìn biết bao clip quay cận cảnh, quay toàn cảnh, quay flycam đi nữa, cũng không thể có cảm xúc mãnh liệt như khi tận mắt trông thấy vẻ đẹp của những ngọn núi đá hùng vĩ, sừng sững, kéo dài.

Cạnh cảm xúc ùa đến từ vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên, còn là rung cảm mãnh liệt trong mỗi con người khi đứng trước một hình hài khác của Tổ quốc. Niềm say mê trước cái đẹp, niềm lâng lâng tự hào khi đất nước mình đẹp không bút mực nào tả xiết. Niềm biết ơn sâu sắc khi tạo hóa đã ban cho đất nước, con người Việt những tuyệt tác lớn lao đến thế.

Chiếc xe chầm chậm bò qua những con đèo quanh co. Bây giờ là chớm đông. Khí trời càng khiến những ngọn núi đá thêm bí ẩn. Một màu xám bao trùm khắp nơi, thi thoảng vài ngọn cây, ngọn cỏ dại vươn lên. Trên vách núi, thi thoảng người ta thấy những bóng hình thấp thoáng. Cả đoàn người dường như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy những con người bé nhỏ đi thoăn thoắt trên những con dốc đá cheo leo.

“Chuyện thường, dân cao nguyên đá không đi trên núi đá thì chẳng lẽ đi trên đường bằng à”, bác tài cười, đáp trả những tiếng kêu ngạc nhiên của dân phố thị miền Nam. Trong câu chuyện của bác tài, những cư dân đô thị hiểu được rằng, ngọn núi đá xám mênh mông ấy chính là nơi nuôi sống những người dân bản địa. Họ nuôi những con dê núi nhảy tung tăng trên vách đá để lấy thịt. Họ trồng những cây cải mèo ngon ngọt từ một nhúm đất trên vách đá. Và những ụ lá lùm xùm thấp thoáng giữa các vách núi kia chính là nơi người ta nuôi ong lấy mật. Để cho ra đời mật ong cao nguyên đá thơm ngon hơn hết thảy loại mật khác.

Trên những ngọn núi đá tưởng chừng như không loại cây nào sống được, các dân tộc thiểu số vẫn có thể làm nương bằng cách thổ canh hốc đá. Đá được xếp quanh đất để che chắn, chống xói mòn, rửa trôi đất, nhiều hốc đá tự nhiên được người dân gùi đất đổ vào và trở thành hốc canh tác. Người ta dùng cuốc, dùng cào để vơ cỏ khô, biến những hốc đá tự nhiên thành nương ngô xen canh cây hoa màu. Bằng những chiếc bừa tay, bừa chân, lưỡi cày tam giác có khác năng cày vào đá, những hốc đá đã nở hoa, ra quả, thành những nương ngô, nương lúa chín vàng.

Cái màu đá xám mênh mông tĩnh lặng ấy hoàn toàn không phải màu của sự chết chóc. Đó là màu xám vững chãi của một nền văn hóa núi đá đã ngự trị ngàn năm nơi đây.

Cả đoàn lặng đi trong niềm xúc động, bởi những điều đã nghe vượt quá sự hình dung của họ về một vùng đất. Họ, những người dân phương Nam, vốn sinh ra trên vùng đất đai màu mỡ, mưa thuận, gió hòa. Vườn cây trái lúc lỉu, dưới sông cá chen chúc. Ở các đô thị nơi họ sinh sống, cửa nhà san sát. Gạo trắng nhập khẩu, ngô nếp thơm mềm, muốn gì có nấy. Ở nơi này, cái cày, cái cuốc phải bập vào núi đá. Những giọt mồ hơi rơi thánh thót xuống những phiến đá lạnh mới ra được miếng ăn trân quý hàng ngày.

Xe vẫn đi mãi trên cung đường đá. Cao nguyên đá cứ liên tục thay đổi hình dạng ngoài cửa kính, khiến đoàn người nhìn mãi mà không chán mắt. Năm giờ chiều, ở vùng đất lạnh, mặt trời đi ngủ sớm. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Xe lướt qua một đoạn đường, nơi đá thấp xuống, lô nhô xếp lên nhau bên cạnh một vực sâu. Bên dưới cũng là thung lũng đá. Trên những mỏn đá chìa ra vực sâu hun hút đầy hiểm trở ấy, những con người nhỏ bé đang ngồi. Có thể thấy rõ, đó là vài ông bà cụ già. Chẳng hiểu vì lẽ gì, họ lại ngồi ở cái nơi cheo leo, hiểm trở ấy. Chân đưa ra miệng vực, lưng thong dong, mắt hướng về ánh mặt trời đang lặn. Đó có lẽ là một trong những bức tranh lạ lùng và đẹp đẽ nhất mà đoàn người từng thấy. Những con người ở dốc bên kia cuộc đời, ngồi vắt vẻo bên miệng vực và lặng lẽ ngắm thời khắc tàn đi của một ngày.

Ở một đoạn khác của núi đá, những đứa trẻ ngồi trên những tảng đá ven vệ đường. Chúng vẫy tay rối rít với chiếc xe đang đến. Những người trên xe yêu cầu dừng lại. Họ khệ nệ mang xuống nhiều bánh kẹo tặng cho lũ trẻ, mắt chúng sáng lên lấp lánh đón thời khắc vui vẻ nhất trong ngày. Đoàn xe lướt đi, đằng sau lũ trẻ đang chí chóe tranh nhau món ngon.

Người tài xế khẽ nói, lũ trẻ ngày nào cũng ngồi ở đấy chực chờ khách qua để xin bánh kẹo. Có những đứa trẻ bỏ cả học, hàng ngày ngồi bên vách đá, vẫy xe để được kẹo và cả được tiền. Nhiều cô giáo vùng cao khổ sở, bất lực vì thuyết phục mãi mà học trò chẳng chịu tới trường. Với nhiều đứa trẻ và cha mẹ chúng, những thùng mì, thịt hộp, bánh kẹo và tiền bạc cần cho sinh kế của họ hằng ngày hơn là con chữ xa xôi.

Xót xa bùng lên trong trái tim những người ngồi trên xe. Cao nguyên đá tuyệt đẹp, những dân tộc thiểu số bám trụ trên những ngọn núi đá đã làm nên một văn hóa bản địa lạ lùng, hấp dẫn khiến cho du khách phải say lòng. Nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy vẫn còn là đói nghèo, vất vả và lạc hậu. Một vài gói bánh, thùng sữa, ít tiền cho những đứa trẻ ven đường không giải quyết được gì cả, nếu không muốn nói là “làm hư” thêm bọn trẻ.

Làm thế nào để những ngọn núi vẫn đẹp, đời sống vùng cao giữ nguyên vẹn bản sắc say lòng người qua các thế hệ, nhưng người dân bớt đi vất vả, những đứa trẻ được đến trường và có một tương lai tươi sáng hơn? Câu hỏi ấy vẫn day dứt lòng đoàn người đi qua núi đá.

Vài người trong họ nhen nhúm một ý tưởng và họ thầm hẹn ngày quay lại nơi đây.

Đọc thêm