“Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng”

 Đó là thông điệp của Lễ hội Xuân Hồng 2011. Lễ hội này chính thức diễn ra vào ngày 20/2 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng sau dịp Tết nguyên đán.

Đó là thông điệp của Lễ hội Xuân Hồng 2011. Lễ hội này chính thức diễn ra vào ngày 20/2 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng sau dịp Tết nguyên đán.
 

Nói về tình trạng thiếu máu hiện tại, PGS.TS.Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (ảnh) chia sẻ: “Dịp Tết vừa qua, sinh viên và cán bộ công nhân viên chức được nghỉ bù, nghỉ phép khá dài. Mặc dù Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã chuẩn bị khá tốt trước Tết nhưng tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra do số bệnh nhân (BN) nhập viện trở lại tăng rất nhanh và số ca cấp cứu vẫn nhiều, đặc biệt là thiếu tiểu cầu để điều trị các ca sốt xuất huyết và chảy máu, mất máu. Riêng tại Viện, trong ngày 15/2 đã tiếp nhận 65 BN; hiện tại số BN trong Viện đã lên tới trên 400, trong khi đó sau dịp Tết, Viện mới cấp phát được khoảng 200 đơn vị máu cho trên 75 bệnh viện”.

- Ông có thể cho biết những nét đặc sắc và khác biệt của lễ hội năm nay?

- Đây là năm thứ tư chúng tôi tổ chức lễ hội này và nó đã trở thành sự kiện hiến máu lớn nhất trong năm. Phát huy những kết quả tốt đẹp của ba kỳ lễ hội trước, lễ hội năm nay hy vọng sẽ quy tụ được khoảng 20.000 trái tim nhân ái và thu gom được khoảng 5.000 đơn vị máu (sản xuất được 1.300 đơn vị tiểu cầù) khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng sau dịp Tết Nguyên đán.

So với các lễ hội trước, lễ hội 2011 có rất nhiều nét độc đáo và khác biệt. Thứ nhất, lực lượng người tham gia hiến máu được chuẩn bị chu đáo ngay từ nơi tổ chức hiến. Thứ hai, hình tượng chú Mèo (năm Tân Mão) sẽ là biểu tượng chính của Lễ hội. Lễ hội năm nay cũng được tổ chức  quy mô và hoành tráng hơn với sự hiện diện và chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng số lượng rất lớn người tham dự. Thứ ba, chỉ tiêu thu gom máu năm nay cũng cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Thứ tư, các hội trại được tổ chức tại lễ hội cũng phong phú, đặc sắc và quy mô hơn so với những lần trước, đặc biệt là sự góp mặt của hơn 50 ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên nổi tiếng đến từ khắp mọi miền của đất nước.

- Để khắc phục những hạn chế của các lần tổ chức trước, Ban tổ chức lễ hội đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Năm nay chúng tôi có kế hoạch điều tiết ngay từ điểm đưa người đến hiến máu. Cụ thể, tại các điểm đó cũng tổ chức lễ ra quân; giờ giấc hiến máu thì không cố định; xe buýt thì hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu của người hiến máu; người đến hiến máu có lối đi riêng để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy... Khâu tổ chức lấy máu, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động xét nghiệm và lấy máu cũng được hoàn thiện và tổ chức quy củ hơn để đảm bảo an toàn và phục vụ tốt nhất cho người tham gia hiến máu.

- Theo phản ánh của rất nhiều BN và người nhà của họ, thực tế vẫn còn rất nhiều tiêu cực trong quá thu gom và sử dụng máu. Điển hình nhất là sự chênh lệch giữa giá máu khi thu gom được và sau khi được truyền. Ông nhìn nhận về thực tế này như thế nào? Để hạn chế tình trạng này, chúng ta phải làm gì?

PGS.TS.Nguyễn Anh Trí
PGS.TS.Nguyễn Anh Trí

- Sau khi thu gom, máu được xét nghiệm sàng lọc, rồi tách các chế phẩm máu, bảo quản trước khi phân phối; thậm chí phải trải qua quá trình sàng lọc các kháng thể bất thường rất phức tạp. Vì vậy, việc đội giá máu lên là lẽ đương nhiên. Thực tế, tổng chi phí cho cả quá trình lấy máu, xét nghiệm, sàng lọc và phân phối máu lên 1,1-1,2 triệu đồng/đơn vị máu nên Nhà nước vẫn phải bù lỗ cho BN (giá 1 đơn vị máu có BHYT 447.000 đồng).

Trong quá trình tiếp nhận và sử dụng máu, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ứng nào từ phía BN và người nhà của họ. Tuy nhiên, việc các BV lấy máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chỉ có 447.000 đồng/đơn vị máu nhưng lại bán ra tới 3-4 triệu đồng là chuyện rất dễ xảy ra. Đấy là trách nhiệm của các BV, mà cụ thể là khoa Huyết học Truyền máu các BV. Khi mà “cung không đủ cầu” thì sẽ không tránh khỏi tiêu cực. Bởi vậy, bên cạnh công tác vận động hiến máu tình nguyện, chúng ta phải tăng cường hơn nữa hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát khâu cấp phát và sử dụng máu thì mới ngăn ngừa và hạn chế được tiêu cực...

- Xin cám ơn ông.

Mỗi năm nước ta cần khoảng 1,7 triệu đơn vị máu điều trị (số đơn vị máu cần tương đương với 2% dân số/năm). Máu cần cho điều trị hàng ngày, cho cấp cứu, cho dự phòng các thảm họa, tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn. Hiện tại, chúng ta mới cung cấp được 670.000 đơn vị máu.

Quyền lợi của người hiến máu tình nguyện: Được khám, tư vấn sức khỏe và xét nghiệm máu miễn phí; được nhận quà tặng, hỗ trợ chi phí đi lại và phục vụ ăn nhẹ tại chỗ; được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện (trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, người hiến máu sẽ được bồi hoàn  máu miễn phí bằng số máu đã hiến); được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Đoan Trang (thực hiện)

Đọc thêm