Sẽ khắc phục tối đa tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra

(PLVN) - Đây là một nội dung đáng chú ý được nêu tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức vào chiều 2/12.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, sau khi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (DCCS); Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT).

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ tạo cơ chế cạnh tranh và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiến triển khai để các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư kinh doanh hoạt động viễn thông bằng việc xác định rõ băng tần dành cho thông tin di động được phân bổ, cấp quyền sử dụng thông qua cơ chế đấu giá, thi tuyển. Bổ sung và hoàn thiện các quy định cho phép thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã cấp với doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, không hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Luật PCBLGĐ thì tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về PCBLGĐ”, biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Quy định thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc.

Luật Dầu khí năm 2022 có các điểm mới sau: Bổ sung chính sách điều tra cơ bản về dầu khí; Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu; Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; Cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có.

Luật Thực hiện DCCS quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động. Chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra và được điều chỉnh tại Luật Thực hiện DCCS…

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ban hành kết luận thanh tra.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, một trong những nội dung của Luật Thanh tra được tập trung sửa đổi lần này là nhằm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra (KLTT). Ông khẳng định khi Luật có hiệu lực chắc chắn việc ban hành KLTT sẽ hạn chế tình trạng chậm một cách tối đa và tiến tới không còn chậm nữa.

Điều này thể hiện rõ trong các quy định của Luật. Cụ thể, đối với cuộc thanh tra do TTCP tiến hành thì thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Tương tự, sau khi có kết quả thanh tra, việc xây dựng dự thảo KLTT cũng không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

Bên cạnh đó, TTCP ban hành một Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng TTCP về nâng cao chất lượng và thời gian ban hành KLTT và Quy chế cho đoàn thanh tra nhằm siết chặt, bảo đảm việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo KLTT đúng thời gian luật định.

Về các hoạt động có rủi ro về rửa tiền theo đề cập của các nhà báo, phóng viên như tài sản ảo, chứng khoán, bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho hay, chúng ta vẫn luôn cập nhật theo thời gian để có thể nhận diện được những rủi ro về rửa tiền. Luật PCRT vừa được Quốc hội thông qua cũng giao Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc NHNN đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.

Riêng về tài sản ảo, Kế hoạch 941 của Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo làm cơ sở cho công tác PCRT. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

Đọc thêm