Sẽ không còn dịch vụ ngủ đêm trên vịnh Hạ Long?

(PLO) - Trong tương lai loại hình kinh doanh tàu lưu trú, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long sẽ không còn, chỉ còn tàu vận chuyển khách tham quan trong ngày theo từng tuyến.
Sẽ không còn dịch vụ ngủ đêm trên vịnh Hạ Long?

Gần đây, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra những vụ tàu du lịch bị sóng đánh chìm, bị cháy gây tổn thất lớn về người và của. Những vụ việc này đã bất an cho du khách và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều động thái để chấm dứt tình trạng này.

21 vụ tàu đắm và cháy trên vịnh

Với diện tích trên 12.000km2, Quảng Ninh có 50% diện tích là biển đảo với hơn 2.000 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước. Cùng với đó là trên 250km bờ biển đã tạo cho Quảng Ninh có nhiều dải bờ biển, bãi tắm đẹp nổi tiếng cả nước. Mỗi năm Vịnh Hạ Long đón khoảng trên 3 triệu khách tham quan và trên 600.000 khách lưu trú/năm với nhiều loại hình du lịch đặc trưng, trong đó có sản phẩm nghỉ đêm trên Vịnh và tour tham quan các hang động, làng chài trên Vịnh. 

Thế nhưng, loại hình thăm quan và nghỉ đêm trên Vịnh gây ra mất an toàn đối với du khách. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải và công an Phòng cháy chữa cháy tỉnh Quảng Ninh, từ khi vịnh Hạ Long được đưa vào khai thác tới nay đã có 21 vụ tàu đắm và cháy trên vịnh khiến hàng chục người chết và bị thương, thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Những vụ đắm và cháy tàu khiến du khách sợ hãi không những ảnh hưởng đến hình ảnh Vịnh Hạ Long mà còn ảnh hưởng đến ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh

Gần đây nhất, trưa 6/5, chiếc tàu du lịch hạng sang chở hơn 40 du khách trong và ngoài nước vừa cập cảng Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) thì bất ngờ bùng cháy. Ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn phần trên, phá hỏng cấu kiện bên dưới khiến nước tràn vào trong gây chìm tàu. Hàng chục du khách hoảng loạn đã nhảy xuống biển thoát thân. Vụ hỏa hoạn khiến 4 người bị thương, trong đó 3 du khách Đài Loan và 1 người Việt Nam là thuyền viên trên tàu. Nguyên nhân ban đầu được cho là do hệ thống điện trên tàu bị chập nên tạo lửa và gây ra vụ hỏa hoạn. Nhiều du khách hú hồn, nếu sự việc xảy ra ở ngoài biển vào ban đêm thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Vụ cháy tàu này đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Trước đó, ngày 3/2/2015, tàu du lịch QN- 2566 của Cty TNHH Hạ Long Biển Ngọc bất ngờ bốc cháy khi đang neo đậu tại khu vực Nhà Lát, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, may mắn không có thương vong về người. Cũng trong chiều ngày 28/8/2014, tàu Bình Minh mang số hiệu QN 2287 đang neo đậu tại bến cảng tàu du lịch Bãi Cháy bị sóng lớn đánh chìm, may mắn không có ai thương vong… Nghiêm trọng nhất là trường hợp chìm tàu du lịch xảy ra vào khoảng 3h sáng 17/2/2011, tại khu vực đảo Ti Tốp khiến 12 người, trong đó có 10 người nước ngoài bị tử vong. Hay như vụ tai nạn đâm tàu nghiêm trọng hồi đầu tháng 10/2012 trên vịnh Hạ Long khiến 5 du khách Đài Loan thiệt mạng.

Sẽ không còn ngủ đêm trên vịnh Hạ Long?

Theo thống kê, hiện trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có 533 chiếc tàu du lịch, trong đó có tới 202 tàu lưu trú, ngủ đêm. Số lượng tàu hiện có đã vượt quá cao so với nhu cầu vận chuyển khách thực tế. Năm 2015, số lượng khách tham quan trên 2 vịnh này khoảng 2,5 triệu lượt, trong khi với hiệu suất khai thác tối đa, đội tàu du lịch hiện có thể phục vụ được khoảng 10 triệu lượt khách. Con số trên cho thấy, vịnh Hạ Long đang “thừa mứa” tàu trong khi chất lượng tàu lại đang bỏ ngỏ. 

Di sản thiên nhiên thế giới- vịnh Hạ Long đang bị sức ép rất lớn từ đội tàu du lịch khổng lồ. Việc quá nhiều tàu hoạt động đang gây ô nhiễm nặng về môi trường, nhất là mặt nước vịnh do hầu hết các tàu đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Điều đáng lo ngại nhất là, dù đội tàu du lịch nằm dưới sự quản lý, kiểm soát của đủ các sở, ngành liên quan như giao thông, công an, Ban quản lý vịnh, du lịch…, nhưng vẫn xảy ra những tai nạn gây thương vong, tổn thất về tài sản.

Trước những vụ cháy, chìm tàu gây tổn thất lớn về người và của cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới du lịch, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều động thái nhằm thay đổi tình trạng này. Cụ thể,  sẽ chấm dứt đóng mới tàu vỏ gỗ hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; đóng mới tàu thay thế bằng vỏ thép để dần thay thế các tàu vỏ gỗ đang hoạt động vận chuyển khách trên vịnh, tiến tới không còn tàu hoạt động lưu trú khách trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Trong tương lai loại hình kinh doanh tàu lưu trú, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long sẽ không còn, chỉ còn tàu vận chuyển khách tham quan trong ngày theo từng tuyến.

Hiện các, tỉnh Quảng Ninh đã giao cho cảnh sát PCCC tỉnh phối hợp với Sở GTVT, Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh, UBND TP.Hạ Long thực hiện công tác kiểm tra điều kiện an toàn của toàn bộ các tàu đang hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, đặc biệt là các tàu vỏ gỗ.