Sẽ mở rộng địa bàn thí điểm hòa giải tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

(PLO) - Đó là thông tin được Trưởng ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc khẳng định tại “Hội nghị tổng kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TP Hải Phòng” được TANDTC tổ chức ngày 20/9 tại Hải Phòng.
Ảnh VTV

Thời gian qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục có xu hướng tăng mạnh về số lượng, tính chất ngày càng phức tạp. Thẩm quyền của Tòa án được mở rộng làm cho số lượng các vụ án mà Tòa giải quyết, thụ lý tăng hơn nhiều so với năm trước trong khi số lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, thẩm quyền của Tòa án.

Đầu năm 2018, Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính được xây dựng và triển khai thí điểm đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của hòa giải, đồng thời nghiên cứu thực trạng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, đề xuất những giải pháp mới nâng cao hiệu quả công tác này trong bối cảnh hiện nay. 

Hải Phòng là TP đầu tiên được thực hiện thí điểm. Theo đó, TANDTC thành lập 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại đặt tại TAND TP Hải Phòng và 09 TAND quận, huyện từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2018 và dự định sẽ tiếp tục triển khai đến tháng 1/2019 cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Khẳng định kết quả thí điểm sau 6 tháng nói trên là khá ấn tượng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, dù còn một số vướng mắc nhưng việc hòa giải đã tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Việc giải quyết các tranh chấp thông qua Trung tâm hòa giải có thủ tục đơn giản, linh hoạt, đồng thời hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự.

 Về phía TP thực hiện thí điểm, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, trước khi thí điểm thực hiện Đề án, 2 cấp Tòa án tại Hải Phòng phải đối mặt với áp lực khá lớn về số lượng các vụ tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Thời gian qua, phục vụ việc phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, Hải Phòng đã thu hồi 3.773 hecta đất, tương ứng với 35.664 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 6.648 hộ phải thu hồi hoàn toàn và bố trí tái định cư tại nơi ở mới. Với những con số trên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng vui mừng chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, Hải Phòng cơ bản không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế, nhân dân đồng thuận. Từ đó, phải nói rằng sự thành công này có sự đóng góp không nhỏ của công tác thí điểm hòa giải”.

Còn Trưởng ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc đề nghị thời gian tới các cấp tòa án cần tiếp tục tổng kết, xác định về vị trí của Trung tâm hòa giải bởi đây là đơn vị do Tòa án quản lý, chỉ đạo chuyên môn và đặt trụ sở tại Tòa án, tuy nhiên các cán bộ không thuộc biên chế của Tòa. Đồng thời phải hoàn thiện trình tự, thủ tục hòa giải và xác định rõ hơn kỹ năng của hòa giải viên, chế độ cụ thể cho hòa giải viên.

Kết luận Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự phối hợp, nỗ lực đóng góp để triển khai Đề án của TP Hải Phòng, Ban chỉ đạo Đề án thí điểm của TANDTC, các chuyên gia quốc tế, các Thẩm phán Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Chánh án TANDTC cũng đặc biệt biểu dương, hoan nghênh sự nỗ lực của các trung tâm hòa giải và các hòa giải viên đã góp phần mang lại sự thành công bước đầu cho Đề án thí điểm. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mong muốn được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan ủng hộ việc đề xuất xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo hành lang pháp lý để có bước đột phá trong hoạt động giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. 

Tại Hội nghị, 4 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện thí điểm Đề án đã được TANDTC khen thưởng; 5 tập thể và 5 cá nhân cũng nhận được Bằng khen của UBND TP Hải Phòng. 

Kết quả, qua 6 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận được 2.573 đơn khởi kiện, đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Kết quả, có 1.827 đơn hòa giải thành công, đạt tỷ lệ 76,2%. Điều này cũng có nghĩa là 9 đơn vị cấp quận, huyện thực hiện thí điểm không phải thụ lý, giải quyết 1.827 vụ việc, thực tế giảm được số vụ án xét xử là 598 vụ so với cùng kỳ năm 2017.

Đọc thêm