Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 15/3/2015 quy định về trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK). Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, sau 4 năm thực hiện, Thông tư 39 đã chuyển hóa đầy đủ các nội dung kỹ thuật xác định trị giá hải quan của Hiệp định trị giá hải quan WTO vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia, thực hiện đúng nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức của WTO.
Đồng thời, đã xác lập cơ chế, hệ thống quản lý việc xác định trị giá hải quan cho hàng hóa XK, NK xuyên suốt từ cấp Tổng cục đến cấp Chi cục, theo đó phân định rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý đối với công tác xác định, kiểm tra việc xác định và xác định lại trị giá hải quan ở cả khâu thông quan và khâu sau thông quan.
Thông tư 39 đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, giảm tình trạng ách tắc hàng hóa tại các Chi cục Hải quan; nâng cao hiệu quả kiểm soát, chống gian lận giá, bảo đảm thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, trong quá trình thực hiện Thông tư số 39/2015/TT-BTC đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung như: Một số khái niệm chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm trị giá hải quan; quy định về nguyên tắc, phương pháp hàng hóa NK và NK còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó nghiên cứu, thực hiện cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định trị giá hải quan.
Tổng cục Hải quan cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn. Nhóm vấn đề về quy định chung: Bổ sung một số khái niệm và quyền, nghĩa vụ của cơ quan Hải quan trong xác định trị giá hải quan. Nhóm vấn đề về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan, trong nhóm này tập trung 2 nội dung quan trọng là: nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XK và nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng NK theo trình tự các phương pháp.
Nhóm vấn đề về phương pháp xác định trị giá hải quan, trong nhóm này sẽ quy định lại và bổ sung nhiều quy định hiện nay đang gặp vướng mắc trong thực tế thực hiện như: Phương pháp xác định trị giá giao dịch; xác định trị giá hải quan đối với phương pháp giá giao dịch hàng hóa NK tương tự; xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa NK theo phương pháp suy luận; và bổ sung thêm quy định về xác định trị giá hải quan đối với một số trường hợp hàng hóa XNK đặc thù (hàng thay đổi mục đích sử dụng để tiêu hủy; hàng quà biếu, tặng; hàng không thanh toán…).
Nhóm vấn đề thứ tư là nhóm vấn đề về cơ sở dữ liệu. Nhóm này tập trung vào xây dựng, quản lý và sử dụng Danh mục quản lý rủi ro, trong đó sẽ thay đổi cách quản lý, thay vì quản lý theo mặt hàng sẽ bổ sung thêm đối tượng DN rủi ro.
Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC nhằm mục đích sửa đổi các quy định về xác định trị giá hải quan để thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, giúp cho cơ quan Hải quan và DN minh bạch, đơn giản, công khai và thuận tiện trong thực hiện các quy định về trị giá hải quan. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Thông tư này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu về quản lý, chống gian lận thương mại.