Sẽ thay đổi điều kiện vay mới để tháo gỡ tính thanh khoản gói 16.000 tỷ đồng

(PLVN) - Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - trong buổi họp báo thông báo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 tại TP.HCM mới đây.
Sẽ thay đổi điều kiện vay mới để tháo gỡ tính thanh khoản gói 16.000 tỷ đồng

Chia sẻ về gói vay hỗ trợ 16.000 tỷ đồng thực hiện qua Ngân hàng chính sách xã hội theo Thông tư 05/2020/TT- NHNN để cụ thể hoá Nghị quyết 42/NQ-CP  và quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch, nhưng đến nay sau hơn 1 tháng triển khai vẫn chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng điều kiện, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ sớm có những đề xuất với Chính phủ để có hướng tốt hơn nhằm tạo ra mức thanh khoản cho gói tín dụng 16.000 tỷ đồng.

“Vì hiện nay, với 2 quý còn lại của năm, khó biết được dịch Covid- 19 có chiều hướng như thế nào nên cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất, để doanh nghiệp hoạt động, cũng như duy trì nền kinh tế tăng trưởng trở lại”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.

Trong buổi họp báo trên, thông tin từ NHNN cho biết, mặc dù dịch Covid – 19 tác động lên toàn bộ nền kinh tế, nhưng với sự điều hành của Chính phủ, từ đầu năm NHNN đã chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, về lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng giảm 1,0 - 1,5%/năm để hỗ trợ cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; Giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1% trần lãi suất cho vay vốn ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, hiện ở mức 5,0%, để giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Về điều hành mức tỷ giá, báo cáo của NHNN cũng cho thấy, dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của Covid- 19 tác động lên toàn bộ các quốc gia toàn cầu, tuy nhiên, các TCTD mua ròng từ khách hàng hoặc các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ và kịp thời.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc kịp thởi đánh giá ảnh hưởng khi dịch covid-19 bắt đầu bùng phát, đã giúp cho NHNN có định hướng kịp thời, bám sát được đạo của Chính phủ, đề nghị các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 05-2,5%, thậm chí có ngân hàng thương mại còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm. 

Theo đó, NHNN cũng đề nghị, các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của đơn vị, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện tín dụng, hướng đến duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng.

Nhờ vậy, sau hơn 02 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Theo đó, đến 8/6/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.  

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ 3.856,2 tỷ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149,2 tỷ đồng. 

Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ, internet và điện thoại di động. Cụ thể, trong 4 tháng năm 2020, thanh toán không dùng tiền mặt đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019: thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Đọc thêm