“Có lẽ sẽ phải đưa vào Luật Báo chí (sửa đổi) những khái niệm mới, những tiền đề mới ở tầm của Luật để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết thời gian tới, các cơ quan báo chí có thể cung cấp dịch vụ cho các cơ quan nhà nước đặt hàng ở trên nhiều nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó. “Có nghĩa là chúng ta đáp ứng xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để đón tệp người dùng thế hệ mới với thói quen, hành vi hoàn toàn thay đổi. Các cơ quan báo chí không còn định vị, nhìn nhận trong các giao thức truyền thống của mình nữa, mà khách hàng ở đâu thì mình sẽ gặp họ ở đó. Điều này nhằm phục vụ nhu cầu thông tin chính thống đến những người tiêu dùng thế hệ mới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm gợi mở.
Những thể chế khác trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội hay quy định về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng đang được sửa đổi theo Luật Sở hữu trí tuệ, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, không chỉ phải cạnh tranh với mạng xã hội, nguồn lực khiêm tốn của cơ quan báo chí tiếp tục bị bào mòn bởi câu chuyện vi phạm bản quyền. Vì vậy, cần phải thay đổi thể chế theo hướng khi sử dụng nội dung sáng tạo của báo chí, phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả.
Một việc khó khác nhưng không thể không làm chính là giải quyết các thách thức về đổi mới phương thức làm báo, giải quyết kinh tế báo chí cũng là thách thức quản trị. Trong quá trình đưa ra giải pháp kinh tế báo chí, không thể có một mô hình phù hợp với tất cả các cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến khích, mong muốn các cơ quan báo chí mạnh dạn đưa ra những mô hình mới để làm báo, để kinh doanh sản phẩm báo chí...