Sáng 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học...
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của “Đảo ngọc” Phú Quốc đã có chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, tổng thu ngân sách đến năm 2023 đạt hơn 7.812 tỷ đồng. Đặc biệt, trong vòng 5 năm trở lại đây, Phú Quốc đã tự chủ ngân sách và đóng góp rất lớn vào ngân sách của tỉnh Kiên Giang.
So với năm đầu thực hiện đề án, đến nay, Phú Quốc đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp lớn với khoảng 321 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so năm 2004.
Đến nay, Phú Quốc có hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh nhờ có điện lưới quốc gia, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay và kết nối đường bay đến 10 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Đảo ngọc” không ngừng phát triển đã giúp tăng thu nhập và đời sống của Nhân dân, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được củng cố vững chắc...
Tuy nhiên, bộ máy quản lý Nhà nước và công tác quản lý hành chính của thành phố hiện chưa theo kịp nhu cầu phát triển, nhất là trong quản lý xây dựng, đất đai; hạ tầng được quan tâm, đầu tư nhưng chưa thực sự đồng bộ, bền vững, nhất là hạ tầng cấp thoát nước, xử lý rác thải, y tế, giáo dục. Hơn nữa, là thành phố du lịch nhưng Phú Quốc chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch…
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phân cấp, phân quyền cho tỉnh được xử lý một số vấn đề về điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý đất đai; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, tổ chức bộ máy thành phố Phú Quốc; cho phép các chuyến bay quá cảnh đến Phú Quốc, các ưu đãi về thuế quan; hoạt động casino và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, Phú Quốc có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, không kém, thậm chí có phần vượt trội so với nhiều đảo du lịch trên thế giới. Đại biểu dự hội nghị cho rằng, Phú Quốc cần cơ chế đặc thù, vượt trội để “Đảo ngọc” bứt phá, phát triển dựa vào tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Để đạt được kỳ vọng phát triển Phú Quốc thành thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế, cần thí điểm thực hiện chính quyền đô thị, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; có các chính sách nhằm tăng chủ động nguồn lực tài chính cho thành phố; cơ chế thu hút đầu tư chiến lược, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho thành phố; có giải pháp quản lý, triển khai quy hoạch, quản lý đầu tư; hài hòa giữa phát triển với bảo tồn tài nguyên…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, sát thực tiễn, đóng góp nhiều ý tưởng hay, mang tầm chiến lược của đại diện các bộ, cơ quan trung ương và đại biểu dự hội nghị.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời khẳng định, Phú Quốc có vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh đặc biệt và được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy Phú Quốc phát triển, trong đó có Quyết định 178/2004/QĐ-TTg.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 20 năm thực hiện Quyết định 178, Phú Quốc có “6 điểm hơn” là được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hơn để thúc đẩy phát triển; tiềm lực được tăng cường hơn, dư địa phát triển của Phú Quốc ngày càng lớn hơn; sự quan tâm trong nước, quốc tế dành cho Phú Quốc nhiều hơn; uy tín, vị thế của Phú Quốc được củng cố vững chắc hơn; hạ tầng chiến lược ở Phú Quốc phát triển đồng bộ hơn, đóng góp của Phú Quốc cho thu ngân sách và đời sống nhân dân được tăng cao hơn; thời cơ, thuận lợi của Phú Quốc nhiều hơn, nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là thách thức về phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra 6 tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm trong phát triển thành phố Phú Quốc, bao gồm những vấn đề phát triển nóng, quản lý có lúc chưa theo kịp sự phát triển; công tác vệ sinh môi trường, nguồn nhân lực; hạ tầng điện, nước, sóng; tiềm năng lớn, nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp…
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Phú Quốc là khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt về cả kinh tế, chính trị, xã hội, du lịch, dịch vụ, giao thương, quốc phòng, an ninh của cả nước; phát triển Phú Quốc không phải là “nhiệm vụ riêng” của Phú Quốc, Kiên Giang, mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần "cả nước vì Phú Quốc và Phú Quốc vì cả nước”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, là nơi đáng sống, đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới;
Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển của Phú Quốc với tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp”; khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và người dân, doanh nghiệp; khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Phú Quốc cần được ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch, đẹp, chất lượng cao gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện nghiêm các quy hoạch, phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh; phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ giữa tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh "6 đẩy mạnh" trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển Phú Quốc thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực;
Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu; Đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử bản sắc, hào hùng của Phú Quốc, Kiên Giang, vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ và du lịch; và Đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương với Phú Quốc và Kiên Giang để Phú Quốc phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở hội nghị, Chính phủ sẽ xây dựng một đề án, ban hành văn bản phù hợp để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để triển khai thực hiện phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững hơn.