Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí

(PLVN) -  Việc thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của đất nước, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều dự án nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không triển khai gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả đầu tư. (Ảnh minh họa)

Xử lý nhiều vụ án gây thất thoát nghiêm trọng

Tổng Thư ký Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Văn phòng QH vừa công bố Nghị quyết số 74/2022/QH15 của QH về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP).

Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Cụ thể, khung khổ pháp lý liên quan đến công tác THTK,CLP từng bước được hoàn thiện, chất lượng nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. “Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016 - 2021”, Nghị quyết nêu một số kết quả cụ thể.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công dần được hoàn thiện và từng bước cập nhật các thông tin, số liệu tài sản công. Quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một trong những thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016 - 2021.

Nghị quyết nhấn mạnh việc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản Nhà nước được điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi số vốn, tài sản Nhà nước lớn; có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Điển hình là công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm. Vốn Nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Một số quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.

“Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chưa cao”, Nghị quyết nêu rõ.

Trước 2025, hoàn thành rà soát hệ thống pháp luật

Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; xác định cụ thể trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế, Nghị quyết đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về THTK,CLP. Trong đó có đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để THTK,CLP thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016 - 2021; báo cáo rõ kết quả rà soát phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.

Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 19 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn, vướng mắc và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác.

Trước năm 2025, hoàn thành việc rà soát, tổng kết, đánh giá tác động các chồng chéo, chưa đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác THTK,CLP; đề xuất sửa đổi Luật THTK,CLP và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án đầu tư công, vốn Nhà nước khác. Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; nâng cao năng lực quản trị theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Trong năm 2023, đánh giá và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại Nghị quyết, QH giao Chính phủ trong năm 2023 tập trung rà soát để đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước; có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp phát sinh, sử dụng sai mục đích; thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa. Trước năm 2025, hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thu hồi triệt để các dự án “treo” và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai Nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Quy kết gây thất thoát, lãng phí còn khó khăn

“Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình về những thất thoát quá lớn. Trong khi đất nước còn khó khăn, một bộ phận người dân còn đang nghèo khó. Ngoài việc quy kết có hành vi tham nhũng thì hành vi gây thất thoát, lãng phí còn khó khăn, hạn chế. Ngoài việc liên quan đến tham nhũng thì không loại trừ nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra những quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường… Thời gian qua, hầu hết các chủ trương ban đầu đưa ra cơ bản là hợp lý, đúng hướng nhưng khi thực hiện còn mang yếu tố chủ quan và nhiều lý do khác dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả lâu dài, nhất là lãng phí về tài sản, đầu tư, nguồn lực và niềm tin trong nhân dân. Đối với lĩnh vực công, cần phải có những công cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng, thay vì thiên về định tính như hiện nay”, Đại biểu QH Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình).

Kết hợp đồng bộ phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

“Cần nghiên cứu bổ sung nhóm giải pháp kết hợp đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng với công tác THTK,CLP, tránh việc lợi dụng lãng phí để tham nhũng và cũng tránh tham nhũng gây ra lãng phí; tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản bị thất thoát, bị thiệt hại; chủ động tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, xử lý sai phạm trong các vụ án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Cần chú trọng thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí cao như lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và thuế. Nên chăng, sau đợt giám sát này, nếu có đủ hồ sơ xác định rõ trách nhiệm, đối tượng vi phạm, sai phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP thì đoàn giám sát xem xét lập hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát cũng như mang tính giáo dục, răn đe chung”, Đại biểu QH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Đọc thêm