Theo hồ sơ vụ án, Nghĩa và Hùng đều là những đối tượng có nhân thân xấu, từng ngồi tù nhiều năm về tội chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đã được cải tạo nhưng cả 2 vẫn chứng nào tật nấy, hễ được ra tù lại tiếp tục đi trộm. Vốn đồng cảnh “gà trống nuôi con”, lại cùng làm nghề sửa chữa xe máy nên cả 2 nhanh chóng kết giao bạn bè.
Đầu năm 2016, Nghĩa bàn với Hùng đi ra các tỉnh miền Trung tìm đến những đình, chùa, miếu thờ để lấy trộm các bức tượng hoặc đồ thờ cúng bằng đồng đem bán lấy tiền tiêu xài thì được Hùng đồng ý.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Nghĩa chuẩn bị sẵn công cụ gồm tuốc-nơ-vít, mỏ-lết, kìm, đèn pin, bao tải ni-lon. Sau đó, Hùng lái xe máy đến nhà Nghĩa để chở Nghĩa đến bến xe Miền Đông cùng bắt xe ra Thừa Thiên Huế và mang theo xe máy.
Sau khi đến TP Huế (Thừa Thiên Huế), Hùng tiếp tục lấy xe máy chở Nghĩa ra địa bàn huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Lúc này, cả 2 đóng giả người hành hương đi làm từ thiện, dò hỏi người dân địa điểm các chùa, niệm Phật đường trên địa bàn. Với phương thức, thủ đoạn này cả 2 nhanh chóng tiếp cận các địa điểm có đặt thờ tượng Phật.
Lợi dụng sơ hở trong việc quản lí tài sản tại những nơi thờ cúng của cộng đồng dân cư, chỉ từ ngày 7/1/2016 đến ngày 15/1/2016, Vũ Văn Nghĩa và Trần Quốc Hùng đã thực hiện trót lọt 2 vụ trộm cắp tài sản ở niệm Phật đường Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) và chùa làng Thi Ông (xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng), lấy đi 1 bức tượng Phật và 1 bức tượng Quan Thánh có tổng giá trị là 410 triệu đồng.
Sau khi trộm xong, cả 2 nhanh chóng đưa “chiến lợi phẩm” vào lại TP HCM, rồi mang đến cửa hàng kinh doanh đồ gốm sứ, đồng, mỹ nghệ ở đường Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, Q.1 do anh Nguyễn Thế Giỏi (SN 1977, hiện trú tại phường Tân Hưng, quận 7) làm chủ, và nói dối rằng các bức tượng này là do Nghĩa đi mua về bán kiếm lời. Tin tưởng lời Nghĩa nên Giỏi đã mua 2 bức tượng với số tiền 130 triệu đồng và đưa trước 80 triệu đồng cho Nghĩa. Số tiền 2 lần bán tượng được Nghĩa đều không chia cho Hùng, mà sử dụng tiêu xài cá nhân, đánh bạc và trả nợ. Ngày 19/1/2016, khi tiếp tục trở lại Hải Lăng để thực hiện phi vụ trộm thứ 3 thì bị bắt giữ.
Địa điểm mà 2 đối tượng này thực hiện phạm tội là những nơi thờ cúng linh thiêng của một bộ phận cộng đồng dân cư. Tài sản mà Nghĩa và Hùng chiếm đoạt không những có giá trị lớn về vật chất mà còn có giá trị rất lớn về mặt tâm linh, tín ngưỡng của người dân trên địa bàn. Trong đó, bức tượng Quan Thánh (Quan Vân Trường) là cổ vật có từ nửa đầu thế kỷ XIX, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học.
Mặc dù, hiện tại 2 bức tượng này đều được trả về lại đúng vị trí nhưng trong quá trình dịch chuyển các bức tượng đều bị vỡ ở phần đế nên phải thuê thợ sửa chữa, gia công lại.
Trước vành móng ngựa, Nghĩa và Hùng đều tỏ ra ân hận và thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nghĩa khai, do gia cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, bản thân lại không được học hành nên suy nghĩ nông cạn.
Riêng bị cáo Hùng thì khai, mục đích chính của bị cáo khi ra Quảng Trị là để tham quan, còn ăn trộm chỉ là phụ. Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái, bị cáo xin lỗi các bị hại. Mong tòa có thể xem xét cho bị cáo bản án nhẹ nhất để bị cáo có thể sớm về chăm 2 con.
Để khắc phục lỗi lầm do bố mình gây ra, 2 người con gái của Nghĩa đã lặn lội bắt xe từ TP HCM ra Quảng Trị, mang theo 10 triệu đồng để đền bù phần nào cho các bị hại. Hành trang đưa ra thăm bố là một chiếc túi đựng nhiều loại thức ăn cùng đồ dùng cá nhân và áo quần ấm được gói ghém cẩn thận. Nhìn cảnh 2 cô con gái nước mắt lưng tròng, chăm chút, lo lắng cho bố, khiến những người đến theo dõi phiên tòa không khỏi chạnh lòng.
Sau khi xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Vũ Văn Nghĩa 11 năm tù, Trần Quốc Hùng 9 năm tù cùng về tội “Trộm cắp tài sản”. Đồng thời liên đới bồi thường cho các bị hại 35 triệu đồng. Ngoài ra, Vũ Văn Nghĩa còn phải hoàn trả cho Nguyễn Thế Giỏi số tiền 80 triệu đồng.