Bố mẹ chia tay, Nguyễn Cao Sang (sinh năm 2001) từ xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành chuyển về ở cùng mẹ ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) từ khi học lớp 2.
Chàng trai hiếu thảo
Chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1969, mẹ của Sang) cho biết so với các bạn đồng lứa tuổi, Sang có suy nghĩ và lối sống chững chạc, trưởng thành hơn. Từ nhỏ, Sang đã có ý thức trong việc xác định công việc học tập, cũng như định hướng cho tương lai. Sang giúp đỡ mẹ và gia đình rất nhiều việc mà không cần ai phải nhắc nhở.
|
Chị Nguyễn Thị Thu (bên trái) trước bàn thờ của con trai. Ảnh:H.L. |
Từ năm học lớp 10, mỗi khi đến dịp nghỉ hè, Sang đi làm phụ hồ ở khắp nơi. Cứ đến hè, nhờ công việc phụ hồ, làm thuê, Sang có được khoản tiền công hơn 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền kiếm được, Sang lại mang về cho mẹ, hoặc mua đồ dùng, sửa sang nhà cửa và chi phí cho việc học tập.
Năm học lớp 12, trong thời gian chờ điểm thi THPT quốc gia, Sang tranh thủ đi làm thêm (chạy xe ôm) kiếm được 13 triệu đồng tiền công. Số tiền này, Sang đưa về cho mẹ. Ngày nhập học, nam sinh chỉ cầm đi 6 triệu đồng.
Đỗ đại học, Sang không học mà học nghề tại Cao đẳng Công nghiệp. Chị Thu đặt toàn bộ niềm tin vào Sang bởi ý thức tự giác, độc lập trong học tập, cuộc sống.
“Công việc hàng ngày của tôi ở nhà là buôn bán gia cầm. Tôi phải dậy sớm từ 2-3h sáng để nhập hàng về rồi chuyển đi. Ngày con chưa nhập học ở trường cao đẳng, cứ sáng sớm, Sang dậy sớm giúp mẹ chuyển hàng đi, xong mới đi học”, chị Thu kể.
Chị Thu cho biết sức khỏe của mình không tốt (4 lần phẫu thuật mật), nên Sang rất thương mẹ và lo hết mọi công việc lớn, nhỏ trong nhà.
“Nhiều hôm ốm yếu, lo xa, tôi còn dặn con, nhỡ không may mẹ qua đời thì cố gắng sống, làm việc thật tốt để lo cho chị gái và người thân của mình. Ai ngờ cháu lại ra đi như vậy”, chị Thu đau đớn kể.
Hành trình đi tìm con
Trước khi xảy ra sự việc 2 ngày, Sang vừa về thăm mẹ và gia đình. Khi đi, mẹ cho tiền nhưng Sang không cầm nhiều, chỉ xin 200.000 đồng làm chi phí đi đường. Sang nói với chị Thu là “con tự lo được cho mình, mẹ đừng lo lắng”.
Lúc 20h ngày 26/9, chị Thu gọi điện thoại nhắc nhở con về việc ăn uống buổi tối. Sợ mẹ lo lắng, Sang nói chở khách nốt chuyến này rồi về nấu cơm ăn.
Đến chiều 27/9, chị gái Sang là Nguyễn Thị Nguyệt nhận được điện thoại của người bạn ở cùng phòng với Sang, tên Long, thông báo Sang không về nhà từ tối qua, và không liên lạc được.
Ngay trong chiều 27/9, gia đình nhờ anh họ của Sang là Phùng Văn Tấn (ở Hà Nội) cùng bạn bè đến cơ quan công an trình báo việc mất tích của Sang. Rạng sáng 28/9, chị Thu cùng người thân có mặt tại cơ quan công an để làm việc về sự mất tích của con trai mình.
Theo lời kể của Long, khoảng 20h (sau cuộc gọi của chị Thu) ngày 26/9, Sang nhắn tin gửi cho Long cả hình ảnh và hướng di chuyển tiếp theo khi chở hai khách. Sang dặn Long báo công an khi có tình huống bất trắc.
Khoảng 23h hôm đó, điện thoại của Sang vẫn đổ chuông, nhưng không có người nghe máy. Sáng hôm sau, Sang không về, cũng không đến lớp và không thể liên lạc được nên Long đã thông báo cho gia đình Sang.
“Trước khi nghe tin con mất tích, cả ngày hôm đó, tôi cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn trong người phải nằm nghỉ ngơi... Tôi đã khóc suốt chặng đường về Hà Nội tìm con”, chị Thu nhớ lại.
Trưa 28/9, đang ngồi ở quán nước chờ thông tin từ cơ quan công an, chị Thu và người thân tình cờ gặp một người biết chuyện gia đình, rồi xem các thông tin, hình ảnh mà Sang gửi cho các bạn. Người này đã khoanh vùng, chỉ vị trí có thể tìm thấy Sang.
Đến khoảng 15h cùng ngày, tại vị trí gần giống trong ảnh, anh họ của Sang là Phùng Văn Tấn tìm thấy một chiếc dép nằm úp xuống. Sau khi xác định đúng dép của Sang, gia đình đã báo công an đến hiện trường. Đến chiều tối cùng ngày, thi thể của Sang đã được tìm thấy cách vị trí chiếc dép vài trăm mét.
Sau khi cơ quan công an khám nghiệm tử thi, gia đình đã đưa thi thể Sang đi hỏa táng rồi đưa về quê ở xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) chôn cất.
Theo người nhà của nạn nhân, kết quả khám nghiệm tử thi, cơ quan công an xác định Sang có 2 vết đâm ở cổ và bị đâm 4 nhát dao vào phổi, tim.