Sinh viên đại học: Cần khắc phục tâm lý “học đại”, xác định mục tiêu không rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh những sinh viên nỗ lực học, tốt nghiệp thứ hạng cao dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường thì vẫn còn không ít sinh viên giữ tâm lý “học đại”, “xả hơi”, lâm vào tình trạng sa đà, xác định mục tiêu không rõ ràng khi ngồi trên ghế giảng đường.
 Theo nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên có việc làm tương ứng với năng lực mà sinh viên đã học.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên có việc làm tương ứng với năng lực mà sinh viên đã học.

Tỷ lệ có việc làm tăng theo thứ hạng tốt nghiệp

Theo báo cáo đánh giá tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực - Bộ GD&ĐT, sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành y dược có tỷ lệ việc làm cao nhất, tiếp theo là nhóm Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật…

Nghiên cứu đã khảo sát tình hình việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hơn 1.600 sinh viên từ 15 trường đại học (ĐH), học viện trên cả nước. Theo đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm chiếm 88,3% trong tổng số người trả lời phỏng vấn. Số đang thất nghiệp là 9,1%. Tỷ lệ nhỏ còn lại cho biết chưa có việc làm nhưng không có nhu cầu tìm việc.

Phân tích tình trạng việc làm của sinh viên theo kết quả xếp loại tốt nghiệp cho thấy, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp tăng dần theo thứ hạng. Sinh viên tốt nghiệp với thứ hạng càng cao thì tỷ lệ có việc làm càng cao. Nếu tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ là 77,8%, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tỷ lệ có việc làm là 94,5%. Chỉ có 1,8% sinh viên xuất sắc hiện thất nghiệp. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, thực trạng này là một minh chứng rất sinh động về nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức của sinh viên khi ngồi trên giảng đường.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn 93% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm chủ yếu là làm công ăn lương. Như vậy, tỷ lệ sinh viên tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH còn rất thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên thay đổi công việc trong khoảng 12 tháng sau khi tốt nghiệp là hơn 40%, đặc biệt là nhóm sinh viên nữ, dân tộc thiểu số và đối tượng thuộc diện nghèo. Kết quả này cho thấy sinh viên thuộc nhóm yếu thế thường sẵn sàng làm các công việc khác nhau và luôn tìm các cơ hội công việc tốt hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những khó khăn, trở ngại lớn nhất mà sinh viên gặp phải khi tìm kiếm việc làm. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; thiếu hiểu biết về thị trường lao động; và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.

Về thu nhập, mức thu nhập chủ yếu của sinh viên sau khi ra trường đi làm từ hơn 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng (35,5%), tiếp đến là hai mức từ hơn 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng và từ hơn 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng (21,5%). Tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên học ngành công nghệ thông tin (CNTT) ra trường có việc làm theo đúng ngành đào tạo đạt trên 90%, thậm chí nhiều sinh viên năm thứ 4 đã được các doanh nghiệp săn đón. Tuy nhiên, không phải trường nào đào tạo về ngành CNTT cũng đạt kết quả như vậy. Thực tế, tỷ lệ sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm đáp ứng được kỹ năng và chuyên môn của doanh nghiệp không cao.

Nhức nhối tình trạng sinh viên bị buộc thôi học

Những năm gần đây, nhiều trường ĐH công bố danh sách sinh viên bị buộc thôi học lên tới hàng ngàn. Đơn cử năm 2020, trường ĐH Sài Gòn công bố gần 1.000 sinh viên dự kiến bị xét tạm dừng học, cảnh báo rèn luyện, buộc thôi học sau khi xét kết qủa rèn luyện học kỳ 2 năm học 2019-2020. Theo đó có khoảng hơn 400 sinh viên bị đưa vào danh sách dự kiến xét tạm dừng học do kết quả xét rèn luyện học kỳ II năm 2019-2020 xếp loại kém. Có khoảng 500 sinh viên bị đưa vào danh sách dự kiến xét cảnh báo rèn luyện do kết quả xét rèn luyện học kỳ II năm học 2019-2020 xếp loại yếu và kém. Có 4 sinh viên bị đưa vào danh sách dự kiến buộc thôi học vì do kết quả xét rèn luyện học kỳ II năm học 2019-2020 xếp loại kém.

Tương tự, ĐH Công nghiệp TP. HCM đã đưa thông báo cảnh báo 2.252 sinh viên tự ý bỏ học, học kỳ I năm học 2019-2020. Trong 2.252 sinh viên bị cảnh báo vì tự ý bỏ học kỳ I có đủ các bậc đại học chính quy, cao đẳng chính quy hay hệ đại học liên thông vừa học vừa làm. Những năm trước ĐH Tây Nguyên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng công bố danh sách hàng ngàn thí sinh tương tự.

Ngay tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, với điểm đầu vào luôn ở mức khủng với nhiều ngành 27-28 điểm, hàng năm, 700-800 sinh viên phải thôi học do không đáp ứng được yêu cầu. Tại mùa tư vấn tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định: “Để trúng tuyển và theo học tại trường đều khó, yêu cầu sinh viên phải cố gắng hết sức. Dù đầu vào sinh viên giỏi, các em vẫn phải đảm bảo lực học, không học kiểu xả hơi. Tất nhiên, việc học ở trường hứa hẹn cho các em tương lai nghề nghiệp, công việc rất tốt”. Theo đó, 70-80% trong số sinh viên bị buộc thôi học do sa đà, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân như mất động lực, ốm đau.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, số lượng sinh viên bị buộc thôi học trên không chỉ có tại ĐH Bách khoa Hà Nội, mà các trường kỹ thuật khác như ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học không ít hơn con số 700-800 em/năm. Ở chiều ngược lại, trong số 5.000 sinh viên tốt nghiệp (trên khoảng 6.000 em nhập học đầu khóa) của ĐH Bách khoa Hà Nội, khoảng 1.000 em ra trường trước thời hạn. Con số này cho thấy sự chênh lệch, phân hóa rất lớn giữa các sinh viên về ý thức, kỹ năng, thái độ và trình độ, kiến thức. Ngoài ra, trong số những em có thể tốt nghiệp, số em đạt loại khá giỏi chiếm khoảng 70%.

Cùng với đó, theo các chuyên gia giáo dục, có một thực tế, không ít thí sinh chọn ngành học mà không bởi đam mê và yêu thích. Có bạn chọn vì ngành hot, trường hot, có bạn thì miễn vào được ĐH, làm được việc hay không để sau, do đó đã không theo được hoặc chán nản... Có thể nói, xu hướng “nút cổ chai” vào ĐH nhiều năm trước bị coi là đi ngược với thế giới khi đầu vào khó, nhưng đã vào ĐH là cứ thế ra trường đã đang dần được xiết lại. Cùng với việc học tín chỉ, sinh viên có thể ra trường đúng thời hạn, có thể sớm hơn hoặc rất muộn là do nỗ lực của mỗi người. Bởi thế, với các tân sinh viên, ngay từ năm thứ nhất, học ĐH không phải để “xả hơi” hoặc học đối phó.

Đọc thêm