Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đang có xu hướng gia tăng và hiện có ở hơn 100 quốc gia, hàng năm ước tính có khoảng 100 – 400 triệu người mắc bệnh.
Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 100.000 đến 300.000 người mắc bệnh, khoảng trên 100 trường hợp tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 46.000 ca mắc, 11 trường hợp tử vong tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tại Hà Nội, sốt xuất huyết lưu hành hàng năm, thời gian gần đây trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 14.000 trường hợp mắc. Năm 2017, số mắc cao với 35.665 trường hợp, năm 2022 ghi nhận 19.668 trường hợp.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc, không có ca tử vong, số mắc tăng 41% so với cùng kỳ 2022. Số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quận, huyện. Ngành Y tế đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dịch sốt xuất huyết đến nay vẫn đang được kiểm soát tốt.
Theo TS Trần Thị Nhị Hà, dịch sốt xuất huyết gia tăng có nhiều nguyên nhân, có cả yếu tố khách quan và chủ quan, với những nguyên nhân chính sau đây, dịch sốt xuất huyết gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam.
Hiện tại, chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống có khó khăn hơn so với các dịch bệnh khác. Sự biến đổi của thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Bên cạnh đó, các yếu tố tự nhiên tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển.
Mặt khác, do lượng dân cư di biến động lớn, nhiều học sinh sinh viên, người lao động nhập cư, điều kiện sống tập trung đông đúc tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Các hoạt động phòng, chống dịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan lơ là, xem thường dịch, đánh giá nhẹ tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch sốt xuất huyết ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, xác định được những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch nên ngành Y tế đã chủ động các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh; các dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh để người dân biết và tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình mình. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch; thực hiện tốt hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường; triển khai hoạt động phun hóa chất tại các khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức về điều trị bệnh; tổ chức phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền đáp ứng đầy đủ khi số bệnh nhân gia tăng.
UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Y tế triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Hà Nội huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng tham gia. Triển khai công tác phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ đồng bộ hiệu quả, hạn chế thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra.
Theo Sở Y tế Hà Nội, việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế mà còn xuất phát từ chính người dân.
TS Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết, vì ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết từ người già, trẻ nhỏ hay thanh niên… Sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.