Sở GD&ĐT TP HCM hướng dẫn làm đề thi ngữ văn vào 10

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở GD&ĐT TP HCM vừa có thông tin về đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 đối với môn ngữ văn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, cấu trúc đề thi năm nay không có gì thay đổi, gồm có ba phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm),theo Báo Pháp luật TP HCM

Sở định hướng ôn tập như sau: Phần rèn luyện năng lực đọc hiểu, văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng việt.

Các văn bản được chọn lựa có nội phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự… để luyện tập các kĩ năng phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, liên hệ thực tế, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản...

Câu trả lời phải ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu đề, tránh lan man, dài dòng. Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Phần tạo lập văn bản nghị luận xã hội (bài văn khoảng 500 chữ), Sở GD&ĐT lưu ý thí sinh bài văn phải có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

Học sinh cần tập phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Các em cần rèn luyện các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Học sinh cần tránh việc thiếu giải thích vấn đề, dẫn chứng chưa sát, thiếu phân tích dẫn chứng hay chưa rút ra được bài học cho bản thân.

Phần tạo lập văn bản nghị luận văn học, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm bài.

Đề 1: Yêu cầu học tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề đề cho, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu các em sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

Muốn làm tốt, học sinh cần có kĩ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm. Hạn chế tình trạng diễn xuôi lại tác phẩm, bài làm thiếu cảm xúc, viết sai vấn đề.

Dự kiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 gồm 3 môn toán, văn và ngoại ngữ.

TP HCM triển khai học bạ số dùng cho tất cả các trường

Sở GD&ĐT TP HCM thông tin, sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động chuyển đổi số ngành giáo dục trong năm 2023. Một trong những mục tiêu lớn thành phố tập trung thực hiện là hoàn thiện dữ liệu chung toàn ngành, trong đó có dữ liệu về học sinh các cấp, chất lượng giáo dục; dữ liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; dữ liệu về cơ sở vật chất trường học; dữ liệu về các kỳ thi, tuyển sinh đầu cấp; dữ liệu về sức khỏe y tế và phát triển kỹ năng của HS... Đặc biệt, trong năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng học bạ số để tạo thuận tiện cho học sinh khi sử dụng, có giá trị pháp lý dùng chung ở tất cả đơn vị trường học.

Riêng đối với môn giáo dục địa phương, một trong những môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT sẽ thực hiện số hóa tài liệu giáo dục địa phương ở khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và đưa lên các nền tảng dạy học trực tuyến. Những khối lớp còn lại sẽ thực hiện cuốn chiếu theo chương trình trong những năm tiếp theo, thông tin từ Người lao động.