Số hóa ngành nông nghiệp, chìa khóa cho sự phát triển bền vững ở Quảng Ngãi

(PLVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, chuyển đổi số, số hóa trong ngành nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới.

Ngày 24/9, tại huyện miền núi Sơn Hà, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội thảo “Số hóa ngành Nông nghiệp - Thông minh và Bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 với chủ đề chung “Chuyển đổi số - Phát triển kinh tế số” diễn ra từ 24/9 đến 2/10/2024.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho hay, nông nghiệp là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, nông nghiệp giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an sinh và an dân.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Theo đó, là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Quảng Ngãi không chỉ cần phải đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông thôn mà còn phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số, số hóa ngành nông nghiệp, là xu hướng tất yếu, “chìa khóa” nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới. Đồng thời phát triển khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực cụ thể như: lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi, lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực thủy lợi…

Chuyển đổi số, số hóa ngành nông nghiệp, là xu hướng tất yếu, “chìa khóa” nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới.

“Để phát triển mạnh về chuyển đổi số nói chung số hóa trong nông nghiệp nói riêng, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là người nông dân phải sẵn sàng thay đổi thói quen, tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ. Đồng thời, phát huy tiềm năng, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để trở thành một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp”, ông Trường nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều ý kiến tư vấn, chia sẻ, trao đổi về những cách làm, giải pháp mới, hay; các giải pháp ứng dụng công nghệ số đã triển khai hiệu quả như: khai thác hiệu quả các nền tảng số, cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp tại Quảng Ngãi; chuyển đổi số ngành nông nghiệp Quảng Ngãi từ cơ sở đến quản lý nhà nước; ứng dụng hệ thống camera thông minh AI và các giải pháp thông minh trong công tác phòng chống cháy rừng; giải pháp quản lý và cập nhật dữ liệu bản đồ nông nghiệp theo thời gian thực phục vụ quản lý và chia sẻ thông tin cho người dân và doanh nghiệp...

Đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp trình bày tham luận tại hội thảo.

Đây là cơ hội quý giá để các sở, ngành chức năng, địa phương, đơn vị, chủ thể sản xuất nông nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp. Từ đó ứng dụng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp thông minh và bền vững trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, dù tỷ trọng chỉ chiếm 16% nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược dài hạn, là bệ đỡ quan trọng trong kinh tế của tỉnh.

Thời gian qua, chuyển đổi số nông nghiệp của Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả ở lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản… Tiêu biểu như ở lĩnh vực thủy sản, công nghệ mới trong đóng tàu, máy dò ngang trong khai thác thủy sản, cơ giới hóa trong khai thác như máy tời thủy lực thu lưới vây, lưới rê… được ứng dụng, góp phần tăng năng suất, sản lượng khai thác.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo.

Dù vậy, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu trang thiết bị phù hợp, nguồn lực con người, vốn đầu tư, thói quen sản xuất truyền thống… Do đó, cần phải có những giải pháp phù hợp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nông nghiệp.

Đọc thêm