Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã dành sự quan tâm lớn và có nhiều chỉ đạo, định hướng và các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lý lịch tư pháp (LLTP) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Trong bối cảnh nhu cầu đề nghị cấp phiếu LLTP tăng cao, nhất là ở một số tỉnh, thành phố lớn và để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP, cắt giảm yêu cầu nộp phiếu LLTP trong 154 TTHC thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của tất cả các Bộ, ngành và tiến tới chấm dứt việc yêu cầu người dân nộp phiếu LLTP không đúng quy định, ngày 09/7/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Chỉ thị 23). Có thể nói, Chỉ thị số 23 thể hiện sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đúng và trúng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác LLTP với nhiều nhiệm vụ đặt ra cho các Bộ, ngành và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Bám sát các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/8/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng thể của Bộ nhằm triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị với 08 nhóm nhiệm vụ khác nhau với hàng chục công việc cụ thể. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, giá trị của Phiếu LLTP, đặc biệt là việc không yêu cầu người dân nộp/xuất trình Phiếu LLTP không đúng quy định của pháp luật; thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu LLTP để nghiên cứu, đề xuất cắt giảm và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu LLTP; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện thể chế về LLTP trước hết ở tầm Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp...
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan tình hình 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23, những kết quả đạt được, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và những bài học kinh nghiệm, để từ đó chúng ta cùng đưa ra được những giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 23, đưa công tác LLTP ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người dân.
Nhiều kết quả nổi bật sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23
Về những kết quả đạt được sau 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Nguyễn Văn Bốn cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp và một số địa phương đã quan tâm, chú trọng, tập trung triển khai Chỉ thị số 23 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các nhiệm vụ triển khai Chỉ thị số 23 về cơ bản thực hiện đúng tiến độ tại Kế hoạch đề ra, trong đó có 10 nhiệm vụ đã hoàn thành; 05 nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên và 04 nhiệm vụ đang thực hiện (chiếm tỷ lệ 79%).
Công tác tuyên truyền về Chỉ thị số 23 tại Bộ Tư pháp và các địa phương nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, giá trị pháp lý của Phiếu LLTP, quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP và việc sử dụng Phiếu LLTP theo đúng quy định của pháp luật được quan tâm, chú trọng thực hiện đa dạng với nhiều hình thức...
Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Nguyễn Văn Bốn trình bày báo cáo tại Hội nghị. |
Công tác cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP được thực hiện mạnh mẽ với thủ tục và thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP được đơn giản hóa tối đa. Thủ tục cấp Phiếu LLTP đã được thực hiện trực tuyến toàn trình tại Bộ Tư pháp và các địa phương. Việc áp dụng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đạt kết quả đáng khích lệ, cho thấy tín hiệu tích cực trong cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP, tạo tiền đề để tiếp tục thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024.
Về việc phân quyền cho Sở Tư pháp khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia, thực hiện Chỉ thị số 23, Bộ Tư pháp đã mở thử nghiệm tính năng phân quyền cho các Sở Tư pháp khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu LLTP Trung tâm LLTP quốc gia và có văn bản hướng dẫn các Sở Tư pháp thử nghiệm tính năng phân quyền này. Đến nay đã có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu LLTP của Trung tâm LLTP quốc gia để cấp Phiếu LLTP với tổng số 199.685 hồ sơ. Để nâng cao hiệu quả phân quyền, Bộ Tư pháp đã đánh giá kết quả thử nghiệm phân quyền; xây dựng Quy trình phân quyền theo hướng rút ngắn từ 03 bước còn 2 bước, Sở Tư pháp sẽ chủ động tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP của Trung tâm LLTP quốc gia mà không cần Trung tâm phê duyệt từng hồ sơ.
Về triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát xây dựng, ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID10; điều chỉnh, hoàn thiện Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp đáp ứng Quy trình và các yêu cầu kỹ thuật; có Công văn hướng dẫn; tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật cho Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chuẩn bị triển khai cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID; tham gia vào nhóm zalo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối giữa Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố với Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, 63 tỉnh, thành phố đang tích cực thực hiện kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố với Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp và Ứng dụng VneID. Đến nay đã có 27/63 tỉnh, thành phố đã thử nghiệm thành công; 04/27 tỉnh đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin theo quy định của Bộ Công an.
Tăng cường phối hợp trong công tác cấp phiếu LLTP
Tại Hội nghị, ông Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, Bộ Công an phối hợp Bộ Tư pháp triển khai thành công việc thí điểm giải pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế. Thời gian tới, triển khai việc về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, Bộ Công an đã xây dựng các hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn, bộ tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện, đồng thời tham mưu Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai việc về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tư pháp, các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai Chỉ thị số 23. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp như tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá cách thức triển khai PBGDPL các quy định của pháp luật về LLTP, phiếu LLTP bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; đề nghị Bộ Tư pháp phối với với các Bộ, Ngành liên quan tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể và đảm bảo tính khả thi với chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị trong việc chậm cung cấp, không cung cấp thông tin LLTP...để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP; đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia tham mưu với Bộ Tư pháp có giải pháp công nghệ thông tin để tự động cập nhật Bản án, thông tin LLTP vào Cơ sở dữ liệu LLTP, giúp địa phương sớm hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu LLTP…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, thời gian qua, công tác tư pháp nói chung và công tác LLTP nói riêng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao với những chủ trương mới, đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, công tác LLTP có nhiều chuyển biến với một số kết quả đáng ghi nhận như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, đa dạng phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp Phiếu LLTP nhằm tạo thuận lợi hơn, giảm thời gian, chi phí của người dân, cơ quan, tổ chức.
Để tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác LLTP, trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, để tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong 01 năm thực hiện Chỉ thị 23 thì cần có sự quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương với địa phương. Thứ trưởng nêu rõ, Chỉ thị số 23 là văn bản quan trọng đối với công tác LLTP do đó cần thống nhất nhận thức và hành động, phối hợp với các Bộ, ngành ở cả trung ương và địa phương để cùng thực hiện Chỉ thị số 23.
Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp tập trung tuyên truyền, truyền thông pháp luật về LLTP nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của công tác LLTP, ý nghĩa, giá trị của Phiếu LLTP.
Thực hiện tốt, hiệu quả phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến cấp Phiếu LLTP trong lĩnh vực Bộ, ngành Tư pháp theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu LLTP.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp liên ngành trong cấp Phiếu LLTP, Thứ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, sự phối hợp liên ngành, phối hợp giữa các Sở Tư pháp; tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để thông tin được trao đổi, cung cấp thông suốt, hiệu quả...