Khoảng 9h hôm qua, một chuyến bay của hãng hàng không Nga đã đưa 83 lao động Việt Nam về đến Nội Bài. Sáng cùng ngày, sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập) đón thêm 382 lao động Việt Nam từ Libya tới qua cửa khẩu Salloum của Ai Cập. Số lao động này được công ty Vinamex đưa sang Libya làm việc cho DN ôtô Huyndai AMCO của Hàn Quốc.
Đêm nay, một chuyến chuyên cơ Boing 77, tiếp tế 10 tấn lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động Việt Nam tại Lybia và đón thêm 300 lao động về nước.
Những chuyến bay đầu tiên
Đây là những công nhân do Cty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA), thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa đi làm việc tại Libya.
|
Những lao động Việt Nam đầu tiên ở Libya về đến Hà Nội. |
Ông Đoàn Đại Thanh, Giám đốc SONA đang trực tiếp đón lao động tại sân bay cho biết: “Những lao động này bay từ Moscow về Hà Nội. Đây là máy bay thương mại và về đúng lịch trình, chúng tôi đang làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi tìm mọi giải pháp, tìm mọi đường bay, phương tiện máy bay của các hãng càng nhanh càng tốt, càng an toàn càng tốt để đặt các chuyến chuyên cơ đưa lao động về Việt Nam”.
SONA là một trong những Cty đưa nhiều lao động sang làm việc tại Libya (với 2.200 người). Với những nỗ lực của mình, đến sáng 27/2, đơn vị đã đưa 104 lao động về nước an toàn. Ngoài ra, 1.329 lao động do Cty đưa đi đang di chuyển ra khỏi Libya, trong đó có 100 lao động đang ở Ai Cập và đã có vé máy bay về Việt Nam, 26 lao động đang ở Thổ Nhĩ Kì, 440 lao động ở Malta; 41 lao động đang trên đường sang Ai Cập bằng đường bộ, 719 lao động sang Malta bằng đường thủy.
Cũng trong sáng 27/2, sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập) đã đón thêm 382 lao động Việt Nam từ Libya tới qua cửa khẩu Salloum của Ai Cập. Số lao động này được công ty Vinamex đưa sang Libya làm việc cho DN ôtô Huyndai AMCO của Hàn Quốc.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cho biết: Hải quan sân bay Cairo đã đồng ý cho phép số lao động này được vào khu vực cách ly của sân bay để chờ đưa về nước.
Lãnh đạo Cty Huyndai AMCO hứa sẽ nhanh chóng mua vé đưa những lao động này về nước, cũng như đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian quá cảnh. Tính đến nay, đã có 709 lao động Việt Nam ở Libya đến sân bay quốc tế Cairo an toàn qua cửa khẩu Salloum.
Trong số đó, 185 lao động của các công ty SONA và Won (Hàn Quốc) đã lên máy bay về nước. Số còn lại sẽ tiếp tục được đưa về Việt Nam trong những ngày tới khi có vé máy bay.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đang phối hợp với các cơ quan hữu quan và DN sử dụng lao động hoàn tất các thủ tục cần thiết đưa công dân Việt Nam về nước. Trong thời gian quá cảnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đảm bảo việc cung cấp đồ ăn và nước uống hàng ngày cho những người lao động. Theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, 44 lao động Việt Nam làm cho ty SVLidco của Libya cũng đang trên đường tới Ai Cập qua cửa khẩu Salloum.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi danh sách hơn 700 lao động Việt Nam dự kiến sẽ vào Ai Cập qua cửa khẩu này.
Người về chưa hết lo lắng
23h ngày 26/2, Sân bay quốc tế Nội Bài đông đúc, tấp nập hơn ngày thường khi nhiều người trong số đó thấp thỏm, ngóng chờ người thân từ Libya trở về.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở Thuận Thành, Bắc Ninh cùng chồng và các con có mặt ở sân bay từ rất sớm để đón đứa con trai của mình trở về từ đất nước loạn lạc xa xôi.
“Nó sang bên đó mới được có hơn 1 tháng thì đã phải về. Thôi chả biết thiệt hơn bao nhiêu cứ nhìn thấy con mình về là yên tâm rồi. Còn người là còn tất cả…” bà Hoa chia sẻ. “Nghe thấy nó gọi từ Dubai gì đó là bảo khoảng đêm nay về tới Hà Nội thế là bỏ cả ruộng đồng về nhà ăn cơm thật sớm để đi đón con”.
Con trai của bà Hoa tên Nguyễn Đình Phục, là công nhân của Cty Lilama 10 (thuộc TCty lắp máy Lilama) đã rất may mắn trở về trong chuyến bay thứ hai với nỗ lực đưa công nhân từ Libya về Việt Nam của Chính phủ. Rất vui khi được về nước an toàn, gặp lại gia đình, anh Phục vẫn không quên những người đồng bao của mình ở Libya đang phải ngồi chờ đợi để được trở về quê hương: “Bên đó còn nhiều người lắm. Mọi người ai cũng muốn được về Việt Nam càng nhanh càng tốt. Có người còn bỏ lại cả hành lý tư trang, miễn là làm sao có thể tìm được một vị trí trên chuyến đi trở về quê hương”.
Cũng có chồng là công nhân ở Lybia, chị Nguyễn Thị Hạnh (Nam Định) không thể “ăn ngon ngủ yên” trong suốt những ngày mà nghe thấy báo chí đưa tin là ở nước Lybia có bạo loạn.
“Xem tivi đưa Lybia xảy ra xung đột mà mình cứ lo đứng, lo ngồi. Nhất là khi bảo phải sơ tán về nước là những người ở nhà chẳng còn thiết gì đến ăn uống nữa. Chỉ mong ngóng đến lúc anh ấy gọi điện về...”, chị Hạnh sụt sùi.
Chồng chị Hạnh là anh Đinh Quốc Trương, một trong số những người có may mắn khi được trở về Việt Nam sớm nhất từ đất nước loạn lạc. Trước đoàn của anh Trương một ngày, cũng đã có gần 200 lao động Việt Nam đầu tiên trở về trong niềm vui sướng tột cùng. Khi nhìn thấy chồng bước ra qua cánh cửa của khu vực khách đến, chị Hạnh đã không thể giữ được cảm xúc và bật khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc đã rơi khi hai vợ chồng được đoàn tụ.
“Mình cứ cảm tưởng như anh ấy vừa trải qua một kiếp nạn của cuộc đời. Có thời điểm do nghĩ quẩn quá đã tính đến trường hợp xấu nhất là không còn được nhìn thấy chồng mình nữa...”, chị Hạnh tâm sự.
Trở về Việt Nam sau hành trình cả vạn cây số, anh Trương dường như vẫn còn không tin vào một sự thật là mình đang đứng trên mảnh đất quê hương yêu dấu, càng không thể nghĩ là mình có thể thoát khỏi đất nước Libya nhanh đến như vậy. Tuy đã an toàn trở về, nhưng anh Trường vẫn rất lo lắng bởi còn rất nhiều người Việt Nam hiện vẫn chưa thể trở về nước.
“Rất nhiều người Việt Nam còn kẹt lại ở bên đó. Họ đã ra hết sân bay để chờ đến lúc được lên máy bay về Việt Nam sớm nhất có thể,” anh Trương kể.
Cũng theo lời kể của anh Trương, sân bay tại thủ đô của Lybia thời điểm này luôn trong trình tình trạng kẹt cứng khách. Gần như tất cả người dân ở các nước đều muốn trở về quê hương, thoát khỏi đất nước đang rơi vào cảnh hỗn độn.
Tổ chức di chuyển lao động an toàn
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước ngày 26/2 chủ trì cuộc họp bàn việc bảo đảm an toàn, kịp thời di chuyển lao động Việt Nam ra khỏi Lybia.
Dự họp có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân và đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, TCty Hàng không - Vietnam Airlines.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã báo cáo về cập nhật tình hình lao động Việt Nam tại Lybia. Theo đó, đến nay, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng đã và đang phối hợp cùng các đối tác làm thủ tục sơ tán gần 5.000 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Lybia như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Manta, Hy Lạp, Tuynidi...
Theo thống kê sơ bộ, ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam; ở Ai Cập có khoảng 750 người... Bộ sẽ liên tục cập nhật tình hình để kịp thời báo cáo Chính phủ và Ban chỉ đạo.
Trong mấy ngày qua, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước, tổ chức đón và làm thủ tục cho người lao động về nước an toàn.
Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết: Các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở Lybia và các nước lân cận đã và đang tập trung nỗ lực giải quyết vấn đề người lao động Việt Nam, thường xuyên thông báo tình hình về Bộ. Có một thực tế là hầu hết lao động Việt Nam ở Lybia mất giấy tờ tùy thân, Bộ đã chỉ đạo Đại sứ quán cấp giấy thông hành thay thế, tạo điều kiện cho người lao động có đủ giấy tờ về nước. Một số nước lân cận cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động Việt Nam quá cảnh...
Tuy nhiên, việc di chuyển lao động Việt Nam tại Lybia sang các nước lân cận còn không ít trở ngại do mọi hoạt động tại Lybia hầu như tê liệt, thiếu thốn lương thưc, thực phẩm, thông tin liên lạc khó khăn.
Các thành viên Ban chỉ đạo đều nhất trí việc lập một Trung tâm điều hành tại Tuynidi do một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách; cử năm tổ công tác liên ngành đến các nước Hy Lạp, Manta, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tuynidi để bổ sung nhân lực cho các cơ quan đại diện của ta, trợ giúp các Đại sứ quán nắm tình hình, hỗ trợ người lao động Việt Nam di chuyển an toàn.
Phúc Hằng