Thông tin với báo giới, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết, đến nay hệ thống xe buýt thành phố đã có 138 tuyến với 2.221 xe tham gia hoạt động, trong đó có 19 tuyến xe buýt điện (với 160 xe) và 18 tuyến xe buýt sử, dụng khí CNG (với 528 xe), chiếm 31% đoàn phương tiện sử dụng điện, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.
Hiện, Sở Xây dựng TP HCM đã đưa ra lộ trình chuyển đổi đối với xe buýt trên địa bàn thành phố với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP HCM sử dụng điện, năng lượng xanh. Bên cạnh đó, Sở cũng ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện; lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.
Theo đại diện Sở Xây dựng TP HCM, Sở đã và đang triển khai các công việc chuyển đổi xanh trong giao thông như xây dựng các bộ định mức, đơn giá cho xe buýt điện; tạo điều kiện và phối hợp với các đơn vị để phát triển hệ thống trạm sạc; đưa vào hoạt động xe đạp công cộng, xe điện có gắn động cơ; hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng…
|
Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM. |
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, thành phố đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện cho nhóm tài xế công nghệ và giao hàng.
Theo ông Hải, việc chuyển đổi xe máy công nghệ sang xe điện là vấn đề cần thiết và khả thi, bởi nhóm phương tiện này là một trong những nguồn phát thải lớn tại TP HCM. Mỗi ngày, mỗi tài xế di chuyển trung bình hơn 100 km với tần suất làm việc từ 8-12 tiếng, khiến lượng phát thải rất lớn. Việc chuyển đổi nhóm đối tượng này sang xe điện sẽ mang lại hiệu quả kiểm soát phát thải rõ rệt.
Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM hoàn thiện dự thảo trong tháng 6 và trình UBND TP HCM trong tháng 7. “Việc chuyển đổi xe máy công nghệ sang xe điện đang được triển khai quyết liệt, với kỳ vọng trong 2 năm tới sẽ có khoảng 80% tài xế chuyển đổi. Sau đó, trong 2-3 năm tiếp theo, tỷ lệ này sẽ đạt 100%”, ông Hải cho hay.
Trước đó, năm 2023, Viện Nghiên cứu Phát triển đã khảo sát hơn 400 tài xế của Grab, Be và Gojek. Kết quả cho thấy, với quãng đường 100km/ngày, mỗi tài xế tiêu tốn từ 70.000 - 100.000 đồng tiền xăng/ngày. Trong khi đó, tài xế sử dụng xe máy điện (như Xanh SM) chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền điện/ngày.