Được biết, Sở Y tế Cà Mau cũng vừa có văn bản trả lời cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau về xác định quy trình xử lý thai nhi chết tại các cơ sở y tế để phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an.
Về vụ việc nêu trên, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Cà Mau phối hợp cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh nội dung thông tin báo chí đăng tải. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành về xử lý chất thải y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả trong và ngoài công lập) có cung cấp dịch vụ phá thai trên địa bàn toàn tỉnh.
Liên quan đến sự việc, tuần qua Sở Y tế Cà Mau cũng đã có văn bản trả lời cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau về xác định quy trình xử lý thai nhi chết tại các cơ sở y tế. Theo đó, để phục vụ công tác điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Sở Y tế tỉnh cung cấp những thông tin như: Thế nào gọi là thai nhi; từng giai đoạn hình thành và phát triển của bào thai. Đồng thời, cung cấp danh sách các cơ sở y tế có chức năng xử lý các trường hợp thai nhi chết lưu; quy trình xử lý thai nhi chết tại cơ sở y tế như thế nào.
Khu vực Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau cho rằng chôn cất xác thai nhi |
Văn bản của Sở Y tế Cà Mau cho biết, theo giáo trình sản khoa của Trường đại học Y dược Huế (Nhà xuất bản Y học, xuất bản năm 2016) thì thai nhi là 1 trạng thái của con người sau phôi thai và trước khi sinh ra. Giai đoạn phát triển của bào thai được tính bắt đầu vào 9 tuần sau khi thụ thai. Sở Y tế cũng nêu rõ các giai đoạn phát triển của thai nhi từ 9 tuần tuổi đến 40 tuần tuổi cho cơ quan điều tra.
Nói về quy trình xử lý thai nhi chết, Sở Y tế tỉnh Cà Mau thông tin, tất cả các trường hợp xác thai chết trước khi sinh đều được quản lý riêng biệt. Cụ thể, đối với những trường hợp tuổi thai dưới 20 tuần, xác thai nhi rất bé, chưa có hình hài rõ ràng, cơ sở y tế tiến hành bàn giao cho người nhà chôn cất hoặc xử lý đốt bởi lò đốt nhiệt tại chỗ.
Còn đối với trường hợp thai nhi trên 20 tuần tuổi, cơ sở y tế bàn giao cho người nhà hoặc kêu gọi các tổ chức nhân đạo tịa địa phương tổ chức chôn cất. Nếu hai trường hợp trên không giải quyết được thì cơ sở y tế báo chính quyền địa phương và cùng phối hợp tìm giải pháp xử lý phù hợp.
Văn bản của Sở Y tế cũng nêu, các cơ sở khám chữa bệnh có lĩnh vực chuyên ngành sản, phụ khoa trong tỉnh đều có chức năng xử lý thai nhi chết trước khi sinh với tuổi thai tùy theo phạm vi chuyên môn và phân tuyến kỹ thuật cho phép.