Đoàn tàu chống mìn
Với người dân Triều Tiên, đoàn tàu màu xanh rêu đậm chở ông Kim Jong Un không có gì xa lạ. Đó chính là đoàn tàu mà các đời lãnh đạo của nước này, bao gồm từ cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il – ông nội và cha của ông Kim Jong Un – cho tới ông Kim Jong Un hiện nay vẫn sử dụng mỗi khi công du nước ngoài.
Các nguồn tin cho biết, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) từng biến đoàn tàu thành sở chỉ huy di động trong Chiến tranh Triều Tiên. Sau này, khi chiến sự trên bán đảo Triều Tiên đã ngừng, ông Kim Nhật Thành vẫn thích đi tàu. Ông đã cho xây dựng 19 ga tàu để phục vụ các đoàn tàu riêng của mình.
Đến đời ông Kim Jong Il – cha của ông Kim Jong Un - tàu hỏa tiếp tục là phương tiện di chuyển độc nhất trong các chuyến công du nước ngoài. Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc năm 2009 dẫn các nguồn tin tình báo Hàn Quốc và Mỹ nói rằng ông Kim Jong Il có 6 đoàn tàu riêng. Đến nay, đoàn tàu được “truyền lại” cho ông Kim Jong Un.
|
Đoàn tàu của ông Kim. |
Theo báo chí quốc tế, các đoàn tàu các Chủ tịch Triều Tiên luôn được sơn màu xanh đậm, chạy dọc theo thân tàu là một đường màu vàng – được xem là dấu hiệu nhận biết đoàn tàu đặc biệt của lãnh đạo Triều Tiên.
Các nguồn tin cho hay, đoàn tàu có 21 toa, được lắp kính đen ở cửa sổ để đảm bảo an ninh. Khác với vẻ ngoài đơn giản, bên trong đoàn tàu đó là cả một thế giới tương đối đầy đủ, hiện đại và sang trọng. Trong đó, các toa chính có phòng hội nghị, phòng ngủ của lãnh đạo, phòng ăn, toa hàng hóa, toa y tế và toa cho cảnh vệ và cả nơi đón tiếp báo giới.
Trong số đó, các toa được sử dụng làm phòng hội nghị, khu vực ăn uống và phòng ngủ được sơn trần và tường màu trắng, lát sàn gỗ màu sắc trang nhã. Một số toa tàu được bố trí với ghế bọc da màu hồng.
Ở toa văn phòng của lãnh đạo Triều Tiên được trang bị 2 màn hình lớn, trong đó một màn hình dùng để chiếu phim còn màn hình thứ hai hiển thị bản đồ điện tử chỉ rõ vị trí đoàn tàu, cùng với thông số dự báo thời tiết và tình hình kinh tế ở các vùng mà tàu chạy qua.
Tàu cũng có máy tính có kết nối mạng nội bộ, điện thoại vệ tinh để để đảm bảo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể giữ liên lạc với cấp dưới, cập nhật thông tin và đưa ra các chỉ thị khi di chuyển. Đoàn tàu còn có bục lên xuống trải thảm đỏ riêng dùng khi nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên lên hoặc xuống tàu.
Theo một người Nga từng đi cùng với ông Kim Jong Il sử dụng, trên tàu có tàu có đầy các loại rượu đắt tiền và các món ăn từ các nơi trên thế giới. Toa tàu và toàn bộ vật dụng được trưng bày tại khu lưu niệm trong Cung điện Mặt Trời Kumsusan ở Bình Nhưỡng cho thấy dưới bàn làm việc của ông có cả máy massage chân, những chiếc ghế bằng da sáng màu, dàn âm thanh chất lượng cao của Nhật. Khi lãnh đạo Triều Tiên lên tàu, toàn bộ năng lượng cung cấp cho các tuyến tàu khác sẽ bị tắt để đảm bảo việc di chuyển của họ.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Triều Tiên thường sử dụng tàu hỏa để di chuyển vì lý do an toàn. Đoàn tàu đặc biệt này được bọc thép chống đạn, có thể chịu được các cuộc tấn công bằng hỏa lực thông thường hay mìn chống tăng. Chính việc được bọc thép hoàn toàn như vậy khiến tàu chỉ có thể đạt vận tốc tối đa 60 km/h dù có đến hai đầu kéo vì khối lượng của nó đã tăng đáng kể. Tàu cũng được trang bị máy quét nhiệt và máy dò bom chống các cuộc khủng bố.
Ngoài ra, theo các thông tin, bên trong tàu còn có sẵn xe bọc thép và trực thăng để sẵn sàng sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Đoàn tàu này còn được trang bị các thiết bị “'tàng hình”', có thể tránh radar hoặc các thiết bị do thám; một trung tâm phát điện diesel và đồ điện tử hiện đại.
Để đảm bảo an ninh, đoàn tàu chở các lãnh đạo Triều Tiên sẽ luôn đi giữa hai đoàn tàu khác. Trong đó, tàu đi đầu có nhiệm vụ kiểm tra độ an toàn của tuyến đường sắt và tàu đi cuối chở các nhân viên an ninh.
Theo quan chức Nga Konstantin Pulikovsky, đoàn tàu của lãnh đạo Triều Tiên là do Nga sản xuất. Nó được lãnh đạo Liên Xô Stalin tặng ông Kim Jong Il và được Triều Tiên sử dụng từ đó đến nay.
Khác với cha, ông Kim Jong Un được cho là người mê tốc độ và có thể lái được cả máy bay. Vì vậy, việc ông lựa chọn tàu hỏa để thực hiện các chuyến công du nước ngoài được cho là để thể hiện tinh thần tôn trọng truyền thống của cha, ông. Khi dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất với Mỹ được tổ chức ở Singapore, ông Kim đã đi máy bay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi tới Việt Nam lần này, ông lại chọn tàu hỏa. Ông nội của ông cũng từng đi bằng tàu hỏa khi tới Việt Nam năm 1958 và năm 1964. Cũng có ý kiến cho rằng việc ông Kim chọn di chuyển bằng tàu của mình thay vì mượn máy bay Trung Quốc là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ sự độc lập.
Siêu xe Mercedes
Trong đoàn xe tháp tùng ông Kim rời ga Đồng Đăng về Hà Nội vào sáng nay có chiếc Mercedes Maybach S600. Theo các nguồn tin, đây là phiên bản kéo dài của dòng Mercedes Maybach S600 với chiều dài lớn hơn bản tiêu chuẩn 20cm. Chiếc xe có vài điểm khác biệt so với phiên bản bình thường như lưới tản nhiệt có thêm những thanh dọc, cửa sổ hình tam giác ở phía sau dời về cột chữ C và viền cửa kính 2 bên mạ chrome tăng thêm vẻ sang trọng cho chiếc xe.
Ngoài ra, ở nửa thân sau của xe có thêm logo của Maybach. Hai bên thân xe có gắn logo mang hình quốc huy của Triều Tiên. Không gian xe nội thất cực kỳ rộng rãi và sang trọng, được trang bị đầy đủ những tuỳ chọn cao cấp nhất mà hiện Mercedes-Benz có thể cung cấp.
Hàng ghế sau là khu vực dành cho những chủ sở hữu xe và vì thế chúng cũng đặc biệt hơn. Ở lưng ghế trước có các màn hình giải trí rộng khoảng 10 inch để người ngồi phía sau có thể theo dõi. Các ghế ngồi ở hàng này cũng lớn, êm và rộng rãi, có thể chỉnh điện cùng các chế độ mát xa.
|
Đoàn xe về Hà Nội. |
Sáng nay, ông Kim Jong-un đã sử dụng chiếc S600 Pullman Guard chống đạn từng được ông sử dụng trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4/2018; sau đó là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6/2018.
Chiếc Mercedes được cho là có giá lên tới 1,57 triệu USD. Xe có thể đạt cấp độ bảo vệ VR9. Tại Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un được cho là có ít nhất 3 chiếc xe này.
Với chiều dài thân xe được kéo dài thêm 1.143 mm cùng nhiều trang bị tối tân để chống đạn, trong đó có lớp kính phủ polycarbonate bên trong có thể chống vỡ vụn ngay cả khi bắn súng AK tầm gần, chiếc Mercedes-Benz S600 Pullman Guard có thể có trọng lượng lên tới 5,5 tấn.
Mercedes-Benz S600 Pullman Guard đề cao việc bảo vệ người ngồi bên trong với hệ thống khung thép bảo vệ tích hợp bên trong thân xe cùng nhiều lớp bảo vệ khác được bổ sung ở các vị trí trọng yếu. Gầm xe cũng được gia cố để chịu được cả những vụ nổ bom. Xe đạt tiêu chuẩn chống nổ ERV2010.
Bên trong, xe có hai hàng ghế hành khách, ngồi đối mặt với nhau. Vì trọng lượng nặng, cửa xe chỉ mở được với sự trợ giúp của mô tơ điện trong khi đó cửa sổ được chạy bằng hệ thống thủy lực.
Chuyên cơ Chim ưng
Trước đó, nhiều người đồn đoán rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ bay bằng chuyên cơ Chammae-1 tới Việt Nam để dự Hội nghị thượng đỉnh với ông Trump bởi khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội chỉ khoảng 2.700 km, hoàn toàn trong tầm bay của phi cơ này. Chiếc máy bay riêng này của ông Kim Jong Un cũng là điều luôn khiến dư luận tò mò.
Theo các nguồn tin, máy bay này thực chất là máy bay Ilyushin Il-62M – một máy bay phản lực phản lực tầm trung tới tầm xa do Liên Xô sản xuất để phục vụ cho các chuyến bay liên lục địa không dừng. Máy bay này được ra mắt lần đầu vào năm 1967 và đã đến nay đã ngừng sản xuất. Về mặt lý thuyết, máy bay này có thể bay 10.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Năm 2015, máy bay này chính thức được đổi tên thành Chammae-1 (có nghĩa là Chim ưng).
Máy bay Il-62M có chiều dài 53 m, sải cánh 43 m, cao 12 m và trọng lượng tối đa khi cất cánh là 165 tấn. 4 động cơ phản lực Soloviev D-30KU giúp đạt tốc độ tối đa khoảng 900 km/h. Chiếc máy bay nguyên bản của Liên Xô có khả năng chuyên chở 174 hành khách và 5 thành viên tổ lái nhưng hiện đã được thay đổi hoàn toàn nội thất để đảm bảo tiện nghi cho ông Kim trong các chuyến bay kéo dài.
|
Nội thất trên máy bay Chim ưng. |
Máy bay được trang bị nội thất hiện đại và dù nó không rộng rãi như máy bay Boeing 747-200B của Tổng thống Mỹ Trump nhưng vẫn đủ không gian cho bàn họp và bàn làm việc cá nhân của ông Kim. Nó cũng được trang bị nhiều hệ thống thông tin liên lạc, giúp ông Kim duy trì được việc điều hành đất nước và quân đội từ xa.
Theo giới tình báo Hàn Quốc, máy bay mang số định danh PRK-615, được cho là để nhớ đến việc Tuyên bố chung Triều Tiên - Hàn Quốc được ký ngày 15/6/2000. Chiếc máy bay này hiện do hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo vận hành. Chim ưng 1 từng được ông Kim Jong Un sử dụng để bay tới thành phố Đại Liên của Trung Quốc hồi tháng 5/2018.
Ngoài ra, một chiếc Il-62M khác mang biệt danh Chammae-2 cũng đã được phía Triều Tiên sử dụng để đưa bà Kim Yo Jong - em gái của ông Kim Jong Un cùng phái đoàn Triều Tiên tới dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang tại Hàn Quốc hồi tháng 2/2018.
Một vận tải cơ Il-76MD của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo (ảnh) luôn tháp tùng Kim Jong-un trong các chuyến công du. Nó có nhiệm vụ vận chuyển các trang thiết bị phục vụ lãnh đạo Triều Tiên, bao gồm cả chuyên xa bọc thép của ông.Ilyushin Il-76 là máy bay vận tải chiến lược sử dụng 4 động cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô, đi vào biên chế từ năm 1974 với tổng số 960 chiếc được chế tạo.
Phiên bản Il-76MD được nâng cấp sâu, tối ưu cho nhiệm vụ chở hàng và có tầm bay xa hơn. Mỗi vận tải cơ Il-76MD dài 46,6 m, sải cánh rộng 50,5 m, cao 14,7 m, khối lượng rỗng 92,5 tấn và chở được 48 tấn hàng hóa. Máy bay đạt tốc độ tối đa 900 km/h, tầm bay 4.400 km với khối lượng hàng hóa lớn nhất.