Sớm ban hành Luật Biểu tình để hạn chế khiếu nại, tố cáo

(PLO) - Đó là ý kiến của Ủy ban Pháp luật Quốc hội tại buổi cho ý kiến về 3 báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2014 của Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC chiều qua (7/10).
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (ngồi giữa) tại một buổi tiếp công dân
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (ngồi giữa) tại một buổi tiếp công dân
Giảm số lượng, tăng tính phức tạp
Đó là đánh giá của Chính phủ về tình hình KNTC năm 2014, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, nhìn chung, tình hình KNTC năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013, nhưng số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng với thái độ bức xúc, gay gắt. Phần lớn các vụ việc này là phát sinh từ những năm trước, nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn khiếu kiện kéo dài. 
Chế độ, chính sách, pháp luật còn có những điểm bất cập, nhất là các quy định về đất đai, KNTC, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC còn hạn chế, tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền; chất lượng giải quyết còn nhiều sai sót… tiếp tục là những nguyên nhân của tình trạng KNTC chưa “hạ nhiệt” năm qua.
Dự báo tình hình KNTC năm 2015 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban Dân nguyện lưu ý đến giải pháp hoàn thiện thể chế thông qua các luật tổ chức, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội để “đối phó với những thách thức lớn” trong công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, nhất là tăng cường chức năng giám sát của các cơ quan dân cử. Trong số các kiến nghị đối với công tác giải quyết KNTC của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật kiến nghị sớm ban hành Luật Biểu tình để góp phần hạn chế tình trạng KNTC đông người, vượt cấp. 
48% khiếu nại, tố cáo, kêu oan chưa được giải quyết
Con số 49 trường hợp trong tổng số 102 trường hợp có đơn KNTC kêu oan về hình sự có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình vẫn chưa được giải quyết xong đã khiến Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lo ngại và cho đây là “hạn chế rất lớn vì loại KNTC này liên quan đến sinh mạng con người”. 
Bên cạnh đó, số vụ án có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để quá hạn luật định vẫn còn, một số kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm chưa được TAND địa phương đồng tình vì cho rằng thiếu thuyết phục. 
Đối với ngành KSND, hiệu quả tổ chức thực hiện các giải pháp triển khai công tác giải quyết KNTC chưa cao nên tỷ lệ vụ, việc được giải quyết giảm 5,6% so với năm 2013, chỉ đạt 42,8% và còn đến 75,7% số đơn khiếu nại và đề nghị xét lại các bản án, quyết định của TAND theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng chưa được giải quyết. 
Bức xúc trước tình trạng số vụ KNTC được ngành TAND giải quyết “giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi: “Phải chăng do không phân biệt được đúng, sai? Nếu biết sai mà cứ để đấy không giải quyết thì công lý ra làm sao?”. Theo đại biểu Đương, hạn chế trong giải quyết KNTC “phần lớn do chủ quan của cơ quan thực hiện giải quyết KNTC chứ không phải do pháp luật”.
Vì vậy, để cải thiện chất lượng giải quyết KNTC của ngành TAND và VKSND, nhiều ý kiến đề nghị lưu ý đến vấn đề trách nhiệm thi hành công vụ, chất lượng nguồn nhân lực của hai cơ quan này, nhất là nguồn nhân lực làm công tác giải quyết KNTC, xử lý nghiêm minh những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, có vi phạm, nhất là trách nhiệm cụ thể của người giải quyết khiếu nại sai để không còn những vụ như của ông Nguyễn Thanh Chấn. Đặc biệt, “phải giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC, nhất là những trường hợp khiếu nại lòng vòng, đã giải quyết xong nhưng cứ mè nheo mãi thì làm gì có nền công lý như thế?” - ông Đương cương quyết.

Đọc thêm