Xây kè là cấp thiết
Đúng như tính toán khi triển khai dự án, luồng sông Hậu giai đoạn I sau khi hoàn thành đã thực sự mở toang cánh cửa nối miền Tây rộng lớn, trù phú với biển Đông và các vùng kinh tế trọng điểm khác của đất nước, thông qua tuyến thuỷ lộ huyết mạch với nhiều điểm và vị trí, trong đó có đoạn chạy qua kênh Quan Chánh Bố trên đất Trà Vinh.
“Sau khi dự án này đi vào hoạt động, từ năm 2016 đến nay, đã thực sự phát huy tác dụng và hình thành nhiều tuyến hàng hải trực tiếp từ các cảng thượng nguồn của sông Hậu để vận tải nông, thuỷ sản, phân bón, than… đi và đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Ngô Chí Cường nhận xét.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thêm, luồng cho tàu biển vào sông Hậu đoạn qua kênh Quanh Chánh Bố do chưa được xây dựng kè bảo vệ bờ (hạng mục giai đoạn 2) nên đã gây sạt lở sâu vào bờ có vị trí lên tới hơn 5m. Cũng do thiếu hạng mục này mà có thời điểm, tàu tải trọng lớn đi qua luồng đã tạo sóng to đánh thẳng vào nhà cửa, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản… của các hộ dân thuộc nhiều xã tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh).
“Từ khi dự án hoàn thành đến nay, đã có 39 người dân đến khiếu nại tại Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Trà Vinh về tình hình trên, làm ảnh hưởng đến an ninh - trật tự của tỉnh”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trà Vinh xác nhận.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản đề nghị các cơ quan của Quốc hội bố trí vốn thực hiện giai đoạn II Dự án luồng sông Hậu |
Dư vốn “khủng”
Về phía chủ đầu tư - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, sau khi kết thúc giai đoạn I, dự án trên hiện vẫn đang dư vốn hơn 1.500 tỷ đồng. Số này dự kiến sẽ đươc chuyển sang triển khai giai đoạn II, trong đó có đầu tư cho hạng mục kè bờ kênh Quan Chánh Bố.
“Có số dư trên là do sau rà soát lại khối lượng hợp đồng các gói thầu xây lắp, khối lượng nghiệm thu thực tế giảm so với khối lượng hợp đồng và điều chỉnh giảm giá nhiên liệu trong quá trình thi công. Ngoài ra, còn giảm được giá trị hạng mục xây dựng khu tái định cư trong tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Những nội chung này chúng tôi thực hiện chặt chẽ, đúng chế độ Nhà nước”, ông Trần Anh - Giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải (Bộ GTVT) lý giải nguyên nhân còn số vỗn “khủng” chưa tiêu.
Cũng theo đại diện Ban trên, nhu cầu tăng cường bảo vệ luồng kênh Quan Chánh Bố hiện hữu không bị sạt lở, đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ khu vực bờ Nam ngã ba sông Hậu và các điểm xung yếu dọc kênh này là rất cấp thiết, nhằm ổn định dân sinh dọc hai bên bờ kênh.
Xung quanh vấn đề này, mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội - báo cáo tình hình địa phương sau khi Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn I) được đưa vào sử dụng, đồng thời Đoàn cũng kiến nghị các cơ quan nói trên xem xét bố trí nguồn vốn dư của dự án và các nguồn vốn khác để triển khai ngay hệ thống kè bảo vệ bờ (đoạn kênh Quan Chánh Bố) cũng như giai đoạn II của dự án nhằm phát huy hiệu quả luồng tàu biển vào sông Hậu một cách toàn diện.
Tàu hàng vạn tấn qua luồng an toàn
Ngày 20/1/2016, dự án này đã chính thức thông luồng kỹ thuật theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT. Đến nay, tuyến luồng đã thông qua nhiều chuyến tàu lớn đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ.
Đặc biệt, cuối tháng 10/2016, tuyến luồng sông Hậu đã đón tàu Tân Cảng Pioneer chở 500 container có trọng tải 7.000 tấn; tiếp đó - ngày 18/11, tàu Vinalines Unity DWT 2 vạn tấn đã lưu thông an toàn từ biển qua kênh Quan Chánh Bố, sông Hậu vào cảng Cái Cui (Cần Thơ) và từ cảng Cái Cui qua kênh Quan Chánh Bố đến Hải Phòng.