Sóng ngầm phá tan gia đình!

 Cực chẳng đã, chị đã kể với người nữ cán bộ tư pháp những điều bí mật mà ai nghe xong cũng phải kinh hoàng ấy, vì trên lá đơn đề nghị chia tay chồng, chị vẫn chỉ viết rằng do nguyên nhân không hợp...

 Cực chẳng đã, chị đã kể với người nữ cán bộ tư pháp những điều bí mật mà ai nghe xong cũng phải kinh hoàng ấy, vì trên lá đơn đề nghị chia tay chồng, chị vẫn chỉ viết rằng do nguyên nhân không hợp...

 

Câu chuyện năm quả cam và lọ nước tiểu

Chị là con gái Hà Nội, xuất thân trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong quân ngũ. Bản thân chị cũng là quân nhân có hàm, cấp khá cao ở lĩnh vực đang công tác. Về ngoại hình, chị khá xinh đẹp, mặn mà so với cái tuổi ngoài 40. Ấy vậy mà khi tìm đến với chuyên gia tư vấn, nét âu sầu trên mặt chị, trong mắt chị đầy ắp như sắp trào ra ngoài. Và, quả thật nó đã trào ra theo những dòng nước mắt và từng lời chị kể.

“Vợ chồng tôi cùng phục vụ trong Quân đội và đang được hưởng một mức lương tương đối ổn định, đủ sống. Nhà lại chỉ có một con đã lớn nên gần như không tốn kém chi tiêu nhiều. Thế nhưng, đã từ rất lâu chồng tôi tự cho mình cái quyền quản lý lương của cả nhà. Lương tôi tháng nào lĩnh về cũng phải nộp đủ cho anh, còn tôi thì chẳng bao giờ biết mặt mũi lương anh thế nào.

 Mỗi sáng anh đưa tôi 30.000 đồng đi chợ mua thức ăn trong ngày cho cả gia đình ba người và yêu cầu chi tiêu thế nào phải ghi rõ, tiền thừa dù là 200 đồng cũng giữ lại chuyển sang ngày hôm sau. Sáng ấy, đi chợ thấy cam ngon, tôi dừng lại mua. Ý định mua ba quả cho ba người đã bị cô bán hàng thuyết phục và cũng vì cam ngon quá nên tôi lấy thành năm quả. Về đến nhà, nhìn thấy năm quả cam, chồng tôi cứ lục vấn tôi mãi là tại sao chỉ có ba người mà lại mua những năm quả cam? “Như thế là hoang phí, cô sẽ phải lấy tiền của mình bù vào hai quả cam mua thừa để nhớ lần sau đừng hoang phí” - anh ta nói thế”.

Chị cũng cho chuyên gia tư vấn biết, chồng chị có tới 13 quyển sổ tiết kiệm nhưng chị chưa một lần nhìn thấy “mồm ngang mũi dọc” nó như thế nào, gửi ngân hàng nào và số tiền trong đó là bao nhiêu. Làm sao để thoát khỏi nỗi nhục này? Đó là câu hỏi đã khiến chị tìm đến người tư vấn vì ở cái tuổi này, chị cũng không hề muốn gia đình tan vỡ.

Cũng ở Hà Nội, nhưng khác với người phụ nữ trong câu chuyện “năm quả cam”, người phụ nữ trong câu chuyện này lại quyết tâm chia tay với chồng vì không chịu được nỗi nhục. Anh và chị cùng là cán bộ nhà nước, anh chăm chỉ, không mắc tật xấu gì, chỉ mỗi tội cái tính ghen là vô lường.

Nghi ngờ chị có tình ý với một đồng nghiệp, mà thực ra đây là một cán bộ trẻ mới vào trong cơ quan, chị được sếp giao kèm cặp, giúp đỡ, anh nổi cơn ghen. Mỗi lần chị đi làm về muộn, vào bữa cơm gắp thức ăn cho con, anh không quên chêm thêm một câu: “Ăn đi con, thức ăn này mẹ mày vất vả với giai đêm hôm mới kiếm được đấy, đừng chê”.

 Đứa trẻ 3 tuổi chưa hiểu gì cười khanh khách với bố, chỉ có chị là đau đớn. Bản tính phụ nữ lại chịu đựng, tha thứ nên nhiều khi chị vẫn cố nghĩ tại chồng yêu mình quá để bỏ qua cho anh. Thế nhưng, cuối cùng giọt nước vẫn cứ phải tràn ly...

 Một thời gian, mỗi khi đi làm, động đến quần áo, giày dép chị cứ thấy đồ dùng của mình khai nồng nặc. Lúc đầu nghĩ là con tè bậy, chị không để ý. Nhưng sau đó, chị thấy ngay cả những quần áo treo trên mắc áo cao cũng bị. Tìm khắp nhà, chị thấy cái lọ đựng nước tiểu giấu đằng sau cửa. Và, đau lòng hơn, trong một lần giả vờ đã ra khỏi nhà, chị quay lại và phát hiện anh đang tự “sản xuất” vào cái lọ ấy và mang đổ lên đồ dùng của vợ.

 Ngày chị đưa đơn ra Tòa và hôm cán bộ tư pháp cơ sở đến hòa giải, anh vẫn một mực nói mình yêu vợ, không muốn ly dị. Cực chẳng đã, chị đã kể với người nữ cán bộ tư pháp những điều bí mật mà ai nghe xong cũng phải sởn da gà ấy, vì trên lá đơn chị vẫn chỉ viết rằng do nguyên nhân không hợp.

Sâu sắc và lâu dài hơn những cơn đau thể xác

Khác với hành vi bạo lực bằng vũ lực, bạo lực tinh thần là những con “sóng ngầm” tuy không thể nhìn thấy được nhưng lại có sức mạnh khủng khiếp. Đáng buồn hơn nữa, bạo lực tinh thần là loại “đặc sản”, gần như chỉ có và phổ biến trong giới trí thức và xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình trẻ, cả vợ và chồng đều là người có trình độ, độc lập về tài chính.

Cuối tháng 12/2009, tại cuộc Hội thảo “Vai trò của nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình” diễn ra tại TP.Huế, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đưa ra một con số qua cuộc khảo sát 2.000 người tại 8 tỉnh, TP. Số liệu của cuộc điều tra cho thấy hàng năm có hơn 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần.

Các hành vi của bạo lực tinh thần có thể nói là rất đa dạng, từ việc bắt bạn đời sống trong bầu không khí sợ hãi; khủng bố nạn nhân đến hoảng loạn tâm thần như nhục mạ trước công chúng, dùng lời lẽ chỉ trích quá đáng (so sánh với vợ người khác bằng những lời lẽ mạt sát, gọi vợ bằng mày, con, đồ, thứ...), dùng lời đường mật hứa hẹn rồi nuốt lời; liên tục truy hỏi, nặng lời để hạ nhục nhân phẩm; làm mất lòng tự trọng, mỉa mai, giễu cợt những sai phạm tình cảm riêng tư của vợ...

Những chấn thương tâm lý do bạo lực tinh thần gây ra sâu sắc và lâu dài hơn những cơn đau thể xác. Chúng đặc biệt ảnh hưởng tới đời sống tình cảm, tâm lý của các nạn nhân, nhưng lại rất khó xử lý, vì chúng là hành vi vô hình, không để lại “tang chứng, vật chứng” để cấu thành tội phạm hình sự.

Hơn nữa, bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương cho người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Con cái sống trong gia đình có bạo lực tinh thần thường bị ảnh hưởng nặng nề, các em không hình thành được nhân cách của mình.  Dần dần, một cách không ý thức, trẻ học theo cách hành xử của người lớn. Cuối cùng, khi làm chồng, làm cha, chính các em sẽ lại lặp lại mô hình hành xử đã bị tiêm nhiễm trước đây...

Xuân Hoa

Đọc thêm