Sống như mất hồn vì hận nhà chồng, mẹ trẻ hại chết con

Bị nhà chồng ghét bỏ, nghi ngờ cái thai trong bụng là con hoang do ngoại tình, phạm nhân Nguyễn Thị Hằng đã phải sống những ngày tủi cực rồi sinh con trong ghẻ lạnh. Cho rằng đứa con chính là nguyên nhân khiến đời mình bi kịch, trong cơn cùng quẫn thiếu phụ đã nông nổi hại chết đứa con trai vừa chào đời được 17 ngày tuổi của mình… 

Bị nhà chồng ghét bỏ, nghi ngờ cái thai trong bụng là con hoang do ngoại tình, phạm nhân Nguyễn Thị Hằng đã phải sống những ngày tủi cực rồi sinh con trong ghẻ lạnh. Cho rằng đứa con chính là nguyên nhân khiến đời mình bi kịch, trong cơn cùng quẫn thiếu phụ đã nông nổi hại chết đứa con trai vừa chào đời được 17 ngày tuổi của mình… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc hôn nhân đẫm nước mắt

Phạm nhân Nguyễn Thị Hằng (25 tuổi, quê Nam Định) lúi húi đi theo cán bộ quản giáo vào phòng hội trường trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an) để gặp phóng viên. Đó là một người đàn bà trẻ, trắng trẻo mảnh mai trông khá xuân sắc nhưng lại khiến người đối diện phải rùng mình ám ảnh khi nhìn vào đôi mắt buồn rười rượi, luôn nhìn xuống đầy hoang vắng và u uẩn. Hằng đang thụ án 15 năm tù về tội “Giết người” do có hành vi hại chết đứa con trai bé bỏng cô ta đã dứt ruột sinh ra. 

Bằng chất giọng mang nặng âm sắc rất đặc trưng của người dân vùng biển Hải Hậu (Nam Định), Hằng bắt đầu kể về câu chuyện cuộc đời mình, về cuộc hôn nhân bất hạnh mà từ đó dẫn dắt cô đến con đường tội lỗi. Năm 2004, Hằng về làm vợ anh Lương Hồng Văn (người xã Hải Quang, Hải Hậu, Nam Định) khi đó cô mới bước sang tuổi 18, còn chồng cô 27 tuổi. Cưới nhau xong, đôi vợ chồng trẻ phải sống chung trong một ngôi nhà có ba thế hệ gồm: ông bà nội, bố mẹ chồng và hai vợ chồng Hằng.

Cả hai vợ chồng Hằng đều không nghề nghiệp, tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt của đại gia đình đều trông cả vào mấy sào ruộng khoán nên kinh tế khá eo hẹp. Để cải thiện kinh tế, sau đám cưới ít ngày, anh Văn phải đi làm ăn xa, để Hằng ở nhà. Kể từ đây, cô thôn nữ 18 tuổi, thiếu kỹ năng sống và ít va chạm mới hiểu thế nào là cuộc sống “làm dâu”.

Ông bà nội nhà chồng già cả, gia trưởng đã đành, nhưng đến cả bố mẹ chồng Hằng cũng vô cùng khó tính, khắt khe với cô con dâu còn lạ nước lạ cái trong những ngày đầu bước chân về nhà chồng. Vốn tính đã vụng về cẩu thả, Hằng lại luôn bị xét nét, để ý gắt gao từ lời ăn tiếng nói đến việc làm, khiến cuộc sống thêm căng thẳng, nặng nề. Đã có những lúc Hằng “bật” lại những bậc bề trên của chồng khiến ông bà, bố mẹ chồng rất phiền lòng.

Khi anh chồng biết chuyện đã lựa lời khuyên nhủ vợ, Hằng chẳng những không tiếp thu, rút kinh nghiệm mà còn cứng đầu cứng cổ cãi mắng chồng. Quá tức giận, thay vì dạy vợ bằng lời hơn lẽ thiệt, anh Văn đã tặng cho Hằng vài cái tát.

Đã có lần Hằng bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, cũng vài lần cô tự ý xách quần áo về nhà mẹ đẻ nhưng rồi sau đó cô lại phải lầm lũi quay về sống với nhà chồng. Lý do là có lần thì cha mẹ đẻ Hằng đuổi, không chấp nhận cái ngữ con gái đã lấy chồng rồi lại còn quay về “ăn vạ” nhà đẻ; cũng có lần chồng Hằng xuống tận nơi chửi bới, đổ tất cả lỗi cho cô rồi buộc cô phải quay về.

Bi kịch vì thiếu lòng vị tha

Rồi một ngày Hằng nhận thấy có tín hiệu mới trong cơ thể của mình. Nhưng niềm vui có đứa con đầu lòng nhanh chóng thay bằng nỗi tủi thân. Việc mang thai nặng nề mệt mỏi khiến tâm tính cô càng thay đổi, cáu giận thất thường, làm ăn vụng về hơn. Gia đình chồng cũng chẳng thấu hiểu, thông cảm hay chia sẻ mà chỉ thêm ghét bỏ, chửi mắng con dâu nhiều hơn.

Khi cái thai càng lớn, cuộc sống của Hằng càng nặng nề tủi nhục. Hằng bị mọi người ghẻ lạnh, ngay cả chồng cô cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến vợ. Thậm chí, thiếu phụ này còn phải hứng chịu những trận đòn vô cớ của chồng. Điều khiến Hằng đau khổ nhất là anh Văn còn tỏ ý nghi ngờ đứa con trong bụng Hằng không phải là giọt máu của anh ta. Uất ức, đã có lúc Hằng muốn tự tử để chứng minh mình trong sạch nhưng vì đứa con, cô ngậm đắng nuốt cay mà sống. Hằng hy vọng khi đứa con sinh ra, hạnh phúc vợ chồng sẽ được cải thiện.

Nhưng tia hy vọng chưa kịp le lói thì đã tắt lịm. Ấy là một buổi chiều, Hằng lại mắc lỗi nên bị mẹ chồng và bà nội chồng rầy la. Sau khi bị mắng nhiếc, sỉ nhục đến tối tăm mặt mũi, Hằng tiếp tục nghe thấy tiếng bà nội lớn tiếng: "Cứ để cho nó đẻ, cháu mình, mình nuôi, còn nó đi đâu thì đi…".

Mẹ chồng Hằng lại còn hùa theo: "Thằng Văn hỏi đâu mà chả được vợ…". Uất nghẹn, chua xót, Hằng không kiềm chế được nên đã xông ra cãi nhau tay đôi với mẹ chồng và bà nội chồng. Chuyện này ầm ĩ cả làng trên xóm dưới, khiến cho bố mẹ đẻ của Hằng xấu hổ chẳng dám nhìn ai vì tội “không biết dạy con gái”.

Những ngày tiếp theo, Hằng đã trải qua nỗi đau đớn, tủi nhục tột cùng khi sinh con trong sự ghẻ lạnh. Mặc dù sinh được con trai đầu lòng nhưng chồng Hằng vẫn chẳng thèm đoái hoài gì đến vợ con. Không được chăm sóc, bồi dưỡng nên Hằng sa sút cả về sức khỏe lẫn tinh thần, vì thế đứa con vừa sinh ra đã ốm yếu quặt quẹo, cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày. Mà cứ hễ đứa bé khóc, Hằng lại bị nhà chồng mắng mỏ. Hận chồng và gia đình chồng bạc bẽo, Hằng nung nấu ý định điên rồ vì cho rằng đứa bé chính là nguyên nhân khiến đời Hằng rơi vào bất hạnh không lối thoát.

Tội ác từ lòng thù hận

Tất cả những ý nghĩ căm hận, hằn học ấy Hằng đã đem tâm sự với người thím họ nhà chồng tên là Lê Thị Nhàn. Chiều 5/3/2005, bà Nhàn sang nhà Hằng chơi và hỏi: "Trưa nay sao con mày khóc thế?"  Hằng trả lời rằng tại vì nó bị cảm, nó yếu vậy thì làm sao hả thím? Người thím họ chẳng động viên Hằng mà lại bảo: "Nó ốm vậy thì nuôi khó lắm" và còn nói bóng gió chuyện đem cho đứa trẻ làm con nuôi.

Lập tức Hằng nghe theo nhưng lại thật thà bảo không quen biết ai để cho đứa bé đi. Bà Nhàn rỉ tai bảo Hằng cứ đưa con cho bà ta để bỏ vào thùng phuy. Lúc đó Hằng đã rùng mình hoảng sợ không đồng ý. Nhưng bà thím nhẫn tâm vẫn không buông tha, bà Nhàn tiếp tục xui Hằng vứt con xuống sông cho rảnh nợ nhưng Hằng sợ bị lộ nên không dám hành động. Bà Nhàn tiếp tục xui Hằng mang đặt thằng bé ở đâu đấy vài ngày "êm êm" rồi đem về nhà chôn cất.

Sau đó, Hằng bế con trai mới 17 ngày tuổi cho vào bao tải, rồi mang ra vứt ở vệ đường 21, cách nhà hơn 30m, gần sát với mép con sông thuộc xã Hải Quang. Bỏ lại con, người mẹ trẻ này điềm nhiên về nhà, lu loa lên rằng đã bị mất con. Hành vi mất hết nhân tính của Hằng đã bị người chồng phát giác, trình báo với cơ quan công an. Nguyễn Thị Hằng bị bắt khẩn cấp về hành vi Giết người, bà thím họ Lê Thị Nhàn cũng bị bắt với vai trò đồng phạm. Với hành vi trên, TAND tỉnh Nam Định đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hằng mức án 15 năm tù, đồng phạm Lê Thị Nhàn cũng bị kết án 7 năm tù.

Tấn bi kịch đời Hằng khiến bất cứ ai được nghe cũng thấy thương tâm, đau thắt nơi con tim trong lồng ngực. Nguyên nhân nào khiến một thôn nữ trẻ đẹp, hiền hậu chất phác ở một làng quê thuần nông lại trở thành tàn ác còn hơn hổ dữ?. Tội ác ấy không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, không thể đổ lỗi cho sự nghèo khó hay chứng bệnh trầm cảm của phụ sản mới sinh con. Xâu chuối tất cả những sự kiện của đời Hằng từ một thiếu nữ trong trắng bước  chân về nhà chồng, đến quãng đời làm dâu tủi cực, đời làm vợ chua xót bẽ bàng mới thấy rằng tội ác đó một phần chính là do bi kịch của một cuộc sống thiếu đi lòng bao dung…

Sông Thương

Đọc thêm